Đại Bàng tự tin
Theo điều
luật Hướng đạo Thế giới (Scout Laws), điều luật thứ 5 ghi "A SCOUT IS
COURTEOUS". Có nghĩa một Hướng đạo sinh phải luôn cư xử đúng phép lịch sự.
Nhưng trong điều luật của Hướng đạo Việt Nam đó lại là "LỄ ĐỘ VÀ LIÊM KHIẾT".
Lễ độ là
cách xử sự đúng mực của mỗi người khi giao tiếp với người khác, để thể hiện sự
tôn trọng lẫn nhau, giúp quan hệ giữa người với người tốt đẹp hơn. Mặt khác, nó
cũng góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh. Lễ độ biểu hiện bằng lời chào
hỏi sao cho lịch sự, biết kính trên nhường dưới, vui vẻ, hòa nhã với mọi người.
Ở nước ta,
từ ngàn xưa,"Lễ" rất được coi trọng. Nó là hệ thống những phương
cách, những hành động nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người trước thần linh,
phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống, mà bản thân họ
thời đó chưa có khả năng thực hiện được.Ngày đầu tiên cắp sách đến trường,
chúng ta cũng từng được dạy rằng "Tiên học lễ, hậu học văn". Riêng
trong Phong trào Hướng đạo (PTHĐ) hiện nay vẫn duy trì các buổi lễ quan trọng
như "Lễ chào cờ", "Lễ tuyên hứa", "Lễ phong nhậm"…
Bên cạnh
"lễ độ", các bậc huynh trưởng tiền bối của nước ta rất cao thâm khi cố
tình gắn thêm hai từ "liêm và khiết" vào trong điều luật thứ 5 để dứt
khoát đây là thông điệp bắt buộc, và hy vọng rằng không bao giờ xảy ra trường hợp
có những Trưởng sẽ mang tiếng là "HĐ vô liêm sĩ", “HĐ cơ hội”,
"HĐ thân hữu", "HĐ kinh doanh", hoặc"HĐ ngụy quân tử"!
LIÊM(廉)có nghĩa ngay thẳng, biết phân biệt chuyện phải, chuyện trái, không
tham lam, không lấy của công làm của riêng. Cho nên, hồi xưa người ta rất nể trọng
những ông quan thanh liêm. Ngoài ra, còn có một chức danh của triều đình gọi là
"Liêm phóng sứ" 廉 訪 使 chuyên đi giám sát, thanh tra những người đang là công bộc của dân.
KHIẾT (潔) là trong sạch, đàng hoàng hay đoan chính, do đó sẽ không bao giờ làm
các chuyện phi nghĩa, thiếu minh bạch. Vì vậy, người xưa thường khuyên những
người công chức, người làm công tác xã hội nên hàm dưỡng ý tứ như “khiết thân” 潔 身 tức là tự sửa thân, tự rèn luyện cho bản thân mình ngày càng trong sạch,
tốt đẹp.
Như vậy, ta
có thể hiểu rằng, liêm khiết là một phẩm chất đạo đức của con người. Nó thể hiện
một lối sống thiện lương, nên không bận tâm toan tính chuyện ích kỉ, nhỏ mọn.
Và tất nhiên, người liêm khiết sẽ nhận được sự quý trọng, kính nể của mọi người.
Hiện nay, vấn
đề thu - chi về tài chính của một vài đơn vị thuộc PTHĐ vẫn chưa thực hiện
nghiêm túc, để làm gương cho các em trong công tác quản lý sổ sách, quản lý
hành chính đoàn hoặc đội. Có Trưởng quan niệm rằng, đây chỉ là chuyện nhỏ cho
nên, việc báo cáo bằng văn bản, chứng từ cũng không rõ ràng, chính xác. Đành rằng,
trong phong trào chẳng có gì to tát để mà tham ô hoặc biển thủ. Thế nhưng, minh
bạch về tài chính chính là một hành động trong sáng nhất để chứng minh mình
luôn liêm khiết. Bên cạnh đó, còn tập cho các em luôn có được một thái độ
nghiêm túc, cùng tinh thần trách nhiệm cao trong bất kỳ công việc nào. Đây cũng
là sứ mệnh cao quý của các Trưởng cầm
đoàn, với trách vụ trang bị cho đoàn sinh những kỹ năng quản lý chuyên nghiệp,
để các em hội nhập tốt sau này mỗi khi ra đời.
Trong lúc
viết những dòng cảm khái này, bản thân tôi rất cảm phục sự uyên bác của các Trưởng
tiền bối đã rào trước, đón sau nên soạn ra 10 điều luật một cách chặt chẽ nhất.
Trong "Dịch Lý" con số 5 mang Hành Thổ đứng vị trí trung ương (Thổ
ngũ cục) cho nên, nó chi phối toàn bộ 8
điều luật còn lại. Có thể thấy rằng, từ vị trí trung tâm, người không
liêm khiết sẽ không bao giờ giữ được lễ độ. Mà không có lễ độ thì xem như xong
chuyện. Còn điều luật 10 chính là từ điều luật thứ 5 khai triển rộng ra và khóa
chốt.
Luật và Lời
hứa chính là sức sống của Phong trào Hướng đạo. Thiết nghĩ, bất kỳ ai đã từng tự
hào là một Hướng đạo sinh, cũng nên dành một thời khắc nhất định trong ngày để
trầm tư mặc tưởng về hai từ liêm, khiết này.
Gió lạnh đầu
mùa 2019
ĐBTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét