Ký sự (Memoire)
Lm. Trần Hòa
Ký sự văn học đã có từ lâu trong kho tàng văn chương Việt Nam, nhưng ký sự báo chí thì mới có đây khoảng sau thế chiến I. Chúng ta hãy tìm hiểu thể loại phổ thông này.
I. KHÁI NIỆM:
Ký sự là thể loại theo ký ức miêu tả lại bức tranh toàn cảnh của sự kiện có thật, mới xẩy ra, với bút pháp đa dạng, phong phú và sinh động giàu tính nhân văn của người trực tiếp trong cuộc hay có liên hệ, với mục đích thuyết phục người đọc quan tâm tới những yếu tố nào đó của biến cố, sự kiện..
II. ĐẶC ĐIỂM :
1. Kể lại sự kiện có thật, không hẳn là nổi bật lắm, qua tác giả là chứng nhân trong cuộc hay có liên hệ tới sự việc cách nào đó.
2. Dùng bút pháp phong phú, đa dạng, sinh động và sáng tạo gần với văn học, nhưng ít tính nghệ thuật hơn ký văn học.
3. Cung cấp cho độc giả sự lý giải, thẩm định, đánh giá sự kiện cách khách quan, trung thực nhằm nói lên điều độc giả cần quan tâm.
4. Thường xuyên xuất hiện trên báo chí giống như loại bài phản ánh.
III.VIẾT KÝ SỰ THẾ NÀO?
1. Muốn viết bài ký sự đúng và hấp dẫn, tác giả phải tới tham dự với vai người trong cuộc hay như một chứng nhân khách quan để quan sát, nghe ngóng và ghi lại cách chi tiết diễn tiến từ lúc đầu cho đến lúc kết thúc. Đặc biệt phải ghi chính xác tên, địa điểm, ngày tháng của sự kiện, những người liên hệ và những nội dung nổi bật của sự kiện.
2. Lựa chọn trong ký ức và những tài liệu đã ghi lại để rút ra những điểm cần và ý nghĩa nhất đưa vào bài ký sự bằng lối văn sinh động, hấp dẫn nhất, tuy không được phép hư cấu nội dung sự kiện.
3. Trình bầy thêm bối cảnh liên quan đến sự kiện đã xẩy ra làm bài ký sự thêm sâu rộng và hấp dẫn.
4. Đưa ra những thẩm định, đánh giá sự kiện xẩy ra cách khách quan để cung cấp cho bạn đọc những giá trị tốt nhất căn cứ trên hiểu biết, pháp luật, truyền thống văn hoá và lương tâm đúng đắn của tác giả.
Ký sự có thể viết về sự kiện, về người (ký chân dung) gắn liền với diễn biến sự việc theo cùng một cách.
Ký sự là thể loại dễ viết và rất phổ thông, nó gần gũi với tường thuật nhưng không theo một trình tự như tường thuật, với lối văn sinh động hơn.
(xem bài Kenya ký của Võ Công Thảo trang 93)
BÀI TẬP
1. Hãy viết bài ký sự về một kỳ trại Đoàn mới đây.
2. Ký sự một chuyến du lịch Thái Lan.
3. Hãy sưu tập ba bài ký sự hay nhất trên báo chí.
4. Viết bài ký chân dung một Trưởng HĐ bạn yêu quý và kính trọng nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét