Lê Thọ
Năm gần hết,
tết gần kề. Ánh nắng xuân nhẹ nhàng lướt xuống ấm áp xua bớt đi
cái lạnh ngày đông còn đọng lại trong tôi và cả trong anh…Thấm thoát
ngày xuân Canh Tý-2020 đến với quê hương mình. Nhanh quá! một năm trôi
qua với biết bao nỗi niềm xa xứ, hình ảnh ngọt ngào 12 năm thăng trầm
cùng LĐ Ngũ Hành Sơn luôn hiện hữu trong tâm trí chúng tôi. Bước chân
qua xứ người lúc nào lòng tôi cũng mong muốn ACE tiếp bước gieo những hạt mầm tươi xanh
tốt, đào luyện các em ngày càng
thăng tiến, đoàn kết xây dựng một Ban Huynh trưởng (BHT) vững mạnh, ai
nấy cũng một lòng chung chí hướng, tín nghĩa thiết tha với đơn vị.
Khi điều hành
đơn vị tôi nhận ra nhiều vấn đề thực tiễn, quan trọng là làm sao để
hiểu hết tính cách từng người trong BHT, và luôn gắng sức tạo được
hạnh phúc ngôi nhà LĐ lâu bền, phải chăng cần có một sự trải nghiệm
thăng trầm với niềm vui và cả nước mắt, để duy trì sự tồn tại phát
triển đơn vị. Con đường nầy người Trưởng chúng ta càng đi sâu càng
thấm thía hơn ở “Phương Pháp Hàng Đội”
một trong những yếu tố làm nên sự vững tiến của đơn vị .
Giá trị - Hợp tác và Phân công
Baden Powell
(BP) đã từng nói: “Mục tiêu chính của
Phương Pháp Hàng Đội không phải để giảm thiểu các phức tạp cho Đoàn trưởng, hãy
giao trách nhiệm cho họ vì đó là phương tiện tốt nhất để phát triển tính cách
từng người.”
Đây là một
trong những yếu tố then chốt của Phương pháp Hướng đạo, không những
áp dụng cho Đội mà nó có sẵn ngay cả trong đội ngũ Ban Huynh Trưởng,
để điều hành và sinh hoạt. Thể hiện việc nầy, ở đó có Trưởng đơn
vị, các Phó đơn vị, các Phụ tá, Huấn Luyện viên, dựa vào tính cách
và khả năng, phân công mỗi người mỗi việc, để họ có trách nhiệm ngay với
việc mình đã nhận. Nó không phải trút bớt phức tạp cho Đoàn trưởng
mà là cách hàng đội của Phương pháp Hướng đạo, ai không thực thi nhiệm vụ
là cản trở việc người khác vậy. Khi được phân công như thế sẽ làm cho người
cộng sự thấy vui, vì mình được tin tưởng, anh chị ấy sẽ hài lòng gắng sức
với công việc. Sự hợp tác nầy cũng giống như một đội bóng trên sân,
các cầu thủ mỗi người giữ một vị trí, ai nấy lo tốt phần việc của
mình, làm sao phối hợp toàn đội và hiểu ý nhau mới tạo thành công.
Đồng thời khi
giao trách nhiệm cho họ, cũng là phương tiện tốt nhất để phát triển tính cách
từng người, sau nầy sẽ thuận lợi hơn trong việc điều hành các hoạt
động. Tính cách rất quan trọng, quan trọng còn hơn học thức nhiều,
thông thường chúng ta nhận biết học vị mà không hiểu rõ tính cách
nhân phẩm các thành viên, cho nên sự “Hàng Đội” bị chi phối tùy hứng,
có thể gặp sự cố đáng tiếc về sau. Khi hiểu được tính cách và sở
trường, nên mạnh dạn phong nhậm cho họ vì đó là phương thức tốt nhất để
phát triển tài năng sau nầy.
“Phương Pháp Hàng Đội có một giá trị lớn về tính cách huấn
luyện, nếu biết sử dụng đúng cách. Phương pháp nầy làm cho mỗi thành viên nhận
thức phần trách nhiệm của mình, sao cho đơn vị được tốt hơn. Hơn nữa cũng làm
cho mỗi người nhận thấy có trách nhiệm rõ ràng trong việc làm cho Đoàn được tốt.
” (BP)
Đơn vị
trưởng có thể biết nhiều điều nhưng không thể ôm đồm hết mọi việc,
hãy nuôi dưỡng tình thân, càng hiểu nhau rõ ràng thì việc phân công
sẽ thuận lợi gấp bội phần và làm cho ai nấy hứng thú vui vẻ với
trách nhiệm mình đảm nhận. Hầu như không để một ai “ăn không ngồi rồi”
hoặc bị “bỏ quên” mà không có trách nhiệm, nếu một ai đó không được
phân công cụ thể thì kết quả sẽ “lục đục” nghi ngờ, “dẫm chân” lên
nhau. Đơn vị Trưởng là người duy nhất có thể liên kết, phối hợp mọi quan hệ
các thành viên BHT và hợp tác huấn luyện, sinh hoạt cho đoàn sinh, quan
hệ mật thiết với Ban Phụ Huynh và Ban Bảo Trợ hoặc các HLV kỹ năng.
Khi phân công
trách nhiệm hài hòa, ta đạt được sự chơi cho đúng về “Phương Pháp Hàng Đội”,
ý thức được tầm nhìn tích cực nhắm về nguồn trưởng giúp cho đơn
vị, Chúng ta nên dành thời gian thường xuyên để trò chuyện tâm tình
về cách thức sinh hoạt của Phong trào và biết tâm tư của từng người,
việc nầy cũng đem đến cho mình một tình bạn hữu lâu dài.
Cơ hội lãnh đạo?
“Phương Pháp Hàng
Đội đã chứng tỏ là có ảnh hưởng và sự phát triển khả năng lãnh đạo của các
thành viên. Đối với huynh trưởng, việc cần thiết là làm sao cho họ có được
nhiều kinh nghiệm lãnh đạo. Càng tìm kiếm nhiều cách vun trồng những cơ hội
lãnh đạo cho họ, thì hạt giống lãnh đạo ở họ càng dễ tăng trưởng bấy nhiêu”.
(BP)
¬¬ Theo “Quan
điểm của BP”, cơ hội lãnh đạo đã có ngay trong cả đoàn lẫn đội, giao trách
nhiệm sao cho các thành viên tự thấy cần phải biết cách quán xuyến và có thể
ngày càng đảm đương những trách nhiệm ở mức độ cao hơn. Toàn bộ công trình
Phương Pháp HĐ đều nằm trong quan điểm thiết yếu nầy, chúng ta nên nắm vững
những đặc thù của phương pháp, cần phải ý thức rõ rệt tường tận và cố gắng hoàn
thành tốt chức năng của mình trong hệ thống giáo dục HĐ, trong đó là chức
năng quản lý quá trình hoạt động phát triển của đoàn sinh và làm gương mẫu
cho các em noi theo.
Đối với những
anh chị phụ tá đang còn ít dịp lãnh đạo, cơ hội lãnh đạo có thể là ngắn ngủi,
như là điều hành một buổi chào cờ hàng tháng của đơn vị, buổi trình diễn
văn nghệ cuối năm, hoặc là thực thi một
buổi trò chơi lớn của đoàn giao phó. Nên nhớ rằng không chỉ người
nào có chức vụ mới được phát triển tài năng lãnh đạo mà thôi, mà cả với những
Tráng Sinh giúp ích đơn vị cũng phải tạo cơ hội phát triển kỹ năng lãnh
đạo. Ở đơn vị từng bước động viên khích lệ để họ tham gia học các
khóa học về HL làm Trưởng HĐ, ngõ hầu trang bị kiến thức để sau nầy
tự tin lãnh đạo.
Phong trào Hướng
đạo không hề coi trọng "chức tước", trên thực tế người phụ tá có nhiều
khả năng, tuổi đời chững chạc và gia thế ổn định hoặc đã kinh nghiệm
qua khóa HL thì đơn vị Trưởng có thể nhanh chóng trao trách vụ cho họ một cách trân
trọng đúng lúc, hướng dẫn lề lối quản lý
đơn vị theo tinh thần và phong cách HĐ… Việc phong nhậm đúng với
hoàn cảnh đơn vị, sẽ đem lại sự hài hòa và thực sự dân chủ.
Vai trò Ban Phụ Huynh (BPH)
Bên cạnh hệ
thống tổ chức của Liên đoàn HĐ có một BPH. Họ là ai ? Nhiều LĐ trở
nên vững mạnh nhờ nguồn lực nầy, họ là những cha mẹ của các em đang sinh hoạt trong đơn vị, được đề cử
trong buổi họp mở rộng của LĐ và tự nguyện tham gia; vai trò nầy gồm
có Trưởng Ban phụ huynh và các thành viên yêu mến Phong trào, nhận
trách nhiệm về các nguồn hoạt động, có thể huy động hỗ trợ tài
chánh trong các buổi dã ngoại, trại hè, liên hoan, cứu trợ… Sự gắn
kết với nhiệm vụ liên tục nhiều năm của LĐ, dựa vào nề nếp đi sinh
hoạt của các em, có thể đa phần chọn phụ huynh có con em sinh hoạt
từ Sói Con để thuận lợi việc lâu dài, khi các em sinh hoạt tiệm tiến
qua các ngành, mà họ cũng liên tục đồng hành cùng BHT. Thời gian tham
gia dài như vậy sẽ có một sự trải nghiệm quí báu, giúp sự hoạt
động của chúng ta thuận lợi hơn.
Còn nữa,
hiện nay có nhiều anh chị lớn tuổi đến tình nguyện tham gia vào HĐ,
đa số là cha mẹ đoàn sinh, (gia cảnh ổn định, tuổi đời chững chạc).
Khi mới bắt đầu tham gia chúng ta tạo ngay sự thân tình, làm cho mỗi
người nhận thấy phấn chấn tinh thần và có nhiệm vụ ngay, chúng ta nhận
thức về cách ‘Huấn Luyện Nhanh’, tìm hiểu tính cách và sở trường,
làm cho mỗi thành viên hứng khởi vui vẻ hài lòng phần giúp ích của mình,
làm cho đơn vị được tốt hơn. Hiện nay các đơn vị HĐ có một số phụ
huynh tình nguyện tham gia trở thành trưởng HĐ, đây cũng là nguồn
Trưởng quí giá và cũng là lực lượng kế thừa giúp đơn vị đắc
lực.
“Đoàn Trưởng không
nên chỉ biết nhìn đằng trước mà còn nhìn bên phải, bên trái, đằng sau, phải
có mắt ở phía sau cái đầu như người ta thường nói”(BP)
Gìn giữ “Tinh Thần Đội”
“Tinh Thần Đội”
phải gìn giữ ngay trong BHT đơn vị,
nó được phát triển tốt hay không là do cách chúng ta nói và làm. Đơn
vị nào có hoặc không có “Tinh thần Đội” thì nhìn vào sẽ biết
ngay.
Trước tiên,
điều nhận thấy là Đơn vị Trưởng hạnh phúc vui suớng, vì có được tình cảm
thân thiết của anh em trong Đoàn. Việc gì thực hiện cũng có tinh thần thống
nhất kế hoạch và sự hợp tác lẫn nhau, ai nấy đều vui sướng khi công việc của
đoàn chạy đều, và các em đã thăng tiến nhanh.
“Tinh thần Đội”
của chúng ta bền vững lâu dài hay không, là do cách đối xử và thái độ của
mình đối với mọi người qua các việc làm. Nhiều khi tính ích kỷ và
tính đòi hỏi cá nhân quá mức, làm mâu thuẫn việc điều hành đơn vị.
Nên hạn chế sự bất hòa, nếu không dè chừng để lâu ngày gây ra sự
phân tán mà thôi ! Xây dựng “Tinh Thần Đội” không phải lúc nào cũng như
ý, cũng không phải một sớm một chiều mà giữ được. Nó được phát triển
như là một cây nhỏ được săn sóc bằng cách trồng nó trong đất giàu chất dinh dưỡng,
chăm bón nó cẩn thận, đặt nơi có nhiều ánh nắng và thoáng khí, nhổ cỏ để nó
không bị chèn ép. Hoa chỉ nở rộ, cây non chỉ lớn lên khi có bàn tay vun xới.
Chúng ta cần
nhận biết những yếu kém của mình và nhận trách nhiệm về những gì ta chọn lựa,
những rắc rối và khó khăn là dấu hiệu cho biết ta cần thay đổi thái độ, cách cư
xử của mình, và sẽ chẳng bao giờ tìm ra giải pháp, nếu cứ mãi tìm cách đổ lỗi
cho người khác. Đầu óc sẽ chỉ chất chứa sự oán trách và vô vọng. Chúng ta sẽ mất
đi sự sáng suốt để có sự chọn lựa khôn ngoan. “Đổ lỗi cho người khác còn có
nghĩa là bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của riêng mình. Chỉ khi nhận lỗi,
chúng ta mới có thể giũ bỏ được cảm giác tội lỗi và mặc cảm”.
Người xưa có
câu: “Trăm cái lý không bằng một tí cái tình”,
nên dành chút thời gian để tĩnh tâm suy ngẫm sự việc, và nuôi dưỡng từ
tâm vị tha, để phá đi cái tôi to lớn trong lòng. Hiểu sâu sắc về những giá trị
nội tại của “Tinh thần Đội”, mang đến cho ta sự minh mẫn để cùng nhau vun
đắp cho đơn vị hạnh phúc. Chúng ta là huynh trưởng, không có hưởng thù
lao, lợi lộc, hay danh vọng gì, qua việc sinh hoạt hướng dẫn trẻ, cùng nuôi
dưỡng trí tuệ sáng suốt, để nhìn thấu rõ ngọn nguồn, tạo được thuận hòa
tốt và đậm tình huynh đệ.
“Chúng ta chơi cho đúng, không phải
để giải trí mà vì màu cờ sắc áo. Công việc của Trưởng dễ dàng hơn, nếu các
thành viên xem đó như một trò chơi, trong đó tất cả là thành viên cùng một Đội,
mỗi người chơi đúng chỗ của mình, đồng thời phối hợp chơi chung cho Đội để thắng.
Khi tất cả thâm nhập Tinh Thần Đội, chúng ta mới thấy sự hữu dụng sau nầy”.
(BP)
Trong việc cư
xử và điều hành sinh hoạt, có được ‘Tinh thần Đội’ phải là từ người Trưởng
đơn vị. Có thực tâm thì tình thương sẽ chế ngự, có công tâm và dân chủ mới
mong gây được hòa khí, và lúc đó mọi người sẽ an vui thuận hòa. Phương pháp
Hướng đạo không phải là một môn học trừu tượng hay khó khăn gì, đó là một cuộc
chơi vui, nếu chúng ta biết nhìn nó đúng hướng. Đồng thời hoạt động Hướng đạo
lại có tính cách giáo dục và có khuynh hướng đem lại lợi ích cho cả người nhận
lẫn người cho.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét