Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

1930 HAY 1932

 Trần Minh Hữu

     Năm 1930, các đoàn Hướng Đạo đầu tiên của người Việt được thành lập, đoàn Lê Lợi và đoàn Vạn Kiếp,[1] nên biết lúc đó Việt Nam là thuộc địa và dưới quyền bảo hộ của Pháp. Các đoàn Hướng đạo sinh hoạt trong thời gian tiên khởi, hẳn phải ghi danh với các Hội HĐ của Pháp như Hội HĐ Công giáo Pháp (SDF), hay Hội HĐ Tin lành Pháp (EU), hay Hội HĐ Thế tục Pháp (EDF). Tất cả các Hội HĐ của Pháp nói trên đều là thành viên của Hiệp Hội Hướng Đạo Pháp. Theo Hiến chương của Văn phòng HĐ Thế giới (WOSM), Hội HĐ quốc gia chỉ hiện hữu ở một quốc gia (độc lập/có chủ quyền)[2].

      Trong bài “Mười Năm Hướng Đạo”, tác giả Hổ Sứt, trưởng Hoàng Đạo Thúy, viết ngày 16 tháng 9 năm 1930, được phép của quan Thống-xứ cho thành lập Section de Propagande pour le Sport (Boy Scouts) với 80 lực sĩ và dùng đồng phục HĐ tại Trường Thể dục Hà Nội (gọi tắt là EDEP).[3] Mãi đến ngày 28 tháng 9 năm 1932, Thống xứ Bắc kỳ ký Nghị Định cho thành lập Hội[4] HĐ Bắc kỳ (Association des Eclaireurs du Tokin). Ngày 12 tháng 6 năm 1933, quan Thống đốc duyệt y cho thành lập Tổng cuộc HĐ Nam kỳ (Federation des Eclaireurs du Cochinchine). Ngày 15 tháng 1 năm 1934, Khâm sứ ra Nghị Định công nhận Hội HĐ Trung kỳ (Association des Eclaireurs d’Annam).[5] Tất cả các Hội trong từng miền (Bắc,Trung, Nam) đều là chi nhánh của Hiệp Hội HĐ Pháp.

     Theo sách biên soạn do Thư ký về Ấn loát và Thông tin của BSIB  (tiền thân của WOSM - Văn phòng HĐ Thế giới), ông Edward G. W. Wood, “Uniforms and Badges of the World” [Đồng phục và Huy hiệu (HĐ) trên Thế giới], tái ấn bản hiệu đính lần thứ nhì năm 1960, từ trang 12-17 có các hình ảnh Huy hiệu chính thức được ghi nhận của các Hội HĐ Quốc gia, thành viên của BSIB cùng kèm với năm Hội khai sinh và năm trở nên thành viên (xem hình của Hội HĐ Việt Nam).[6] Tác giả John S. Wilson, nguyên Trại Trưởng của trại trường Gilwell, Giám đốc và Chủ tịch Danh dự của BSIB, trong sách “Scouting Round The World” [Phong trào HĐ quanh Thế giới] trang 123 cũng có đoạn viết:[7]

 

     "Scouting had been started in Viet-Nam about 1932, with branches of the three major French Associations.  After passing through many difficulties and vicissitudes it emerged under the name of Hoi Huong-Dao Viet-Nam, and was given separate international recognition at the beginning of 1957.  One result of the division of the country at 17th parallel was that the Scouts lost their former training ground, but soon established a new one near Dalat.  The present Constitution was drawn up in 1952, with the approval of the Ministry of Youth Affairs.  The movement is open to all, and is well organised in each province.  It was represented by a small contingent at the Jubilee Jamboree."

     “Phong trào Hướng đạo đã được bắt đầu tại Việt Nam vào khoảng năm 1932, với các chi nhánh của ba Hội (HĐ) lớn của Pháp. Trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm đã trổi lên với tên gọi Hội Hướng-Đạo Việt-Nam, và được quốc tế công nhận (là thành viên) vào đầu năm 1957. Một kết quả của sự chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17 là các anh chị em HĐ mất đi trại trường huấn luyện (Bạch Mã), nhưng sau đó không lâu cũng thành lập được trại mới gần Đà Lạt. Quy Trình (HĐ) hiện tại được soạn thảo vào năm 1952, với sự chấp thuận của Bộ Thanh niên. Phong trào được mở rộng cho tất cả mọi người và được tổ chức tốt ở mỗi tỉnh. Một nhóm nhỏ (anh em HĐ) đã đại diện tham gia trại Họp bạn (lần thứ 9) Jubilee Jamboree (tháng 8, 1957)”.

     Theo hồi ký của các Trưởng tiền bối, Trần Văn Khắc và Hoàng Đạo Thúy, và qua các sách đã dẫn, đúng là có các đoàn HĐ của người Việt vào năm 1930, nhưng tại sao hai tác giả thuộc Văn phòng HĐ Thế giới (BSIB) lại đề cập là 1932? Với các dẫn chứng về ngày tháng mà các Hội HĐ từng miền của Việt Nam, trong thời gian đó đều trực thuộc Hiệp Hội HĐ Pháp, được chính thức công nhận thành lập; điểm đáng chú ý ở đây là năm 1932, năm đầu tiên mà một Hội HĐ của Việt Nam (Hội HĐ Bắc kỳ) được thành lập, mặc dù tình hình chính trị của Việt Nam phức tạp và vẫn trực thuộc Hiệp Hội HĐ Pháp. Sau đó đến Hội HĐ Nam kỳ (1933) và tiếp đó Hội HĐ Trung kỳ (1934).  Sau này cùng Hội HĐ của Lào và Hội HĐ của Cao-Mên – cả 5 hợp lại thành Liên Hội HĐ Đông Dương vào tháng 2 năm 1937 và là một chi nhánh của Hiệp Hội HĐ Pháp.[8][9] Theo dữ kiện lịch sử, Việt Nam tuyên bố độc lập khỏi thuộc địa và bảo hộ của Pháp ngày 2 tháng 9, 1945. Ngày 16 tháng 11, 1945, 3 Hội (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) tách khỏi Liên Hội HĐ Đông Dương, hợp lại thành chung một và gọi tên Hội HĐ Việt Nam[10] và chỉ trở nên thành viên chính thức của Tổ chức Phong Trào HĐ Thế giới ngày 7 tháng 5 năm 1957.  Vì lẽ đó, một trong tiền thân của Hội HĐ Việt Nam chính thức sau này, một Hội HĐ của Việt Nam, theo thủ tục hành chánh, đã khai sinh vào 1932.

     Khi tìm lục tài liệu về Hội HĐ Việt Nam thành viên chính thức của WOSM năm 1957, người viết có liên lạc với Văn phòng HĐ Thế giới và được bà Jacqueline Paschoud, nhân viên làm việc ở World Scout Bureau Global Support Center, Geneva, viết trả lời và đính kèm các bản sao chụp lại của các văn thư chúc mừng, hay thông báo sự việc trong thời gian đó.

     Thư gởi tới trưởng Trần Văn Thân, Hội Trưởng Hội HĐ Việt Nam, ngày 7 tháng 5, 1957, chính thức chúc mừng là thành viên của HĐ Thế giới:[11]

 


     Thông báo luân lưu số 20, năm 1957 của Văn phòng HĐ Thế giới (BSIB) chúc mừng thành viên chính thức - Hội Hướng Đạo Việt Nam[12]

 


     Trong mục Thư Tín của Văn phòng HĐ Thế giới của World Scouting, phát hành 1957, trang 231, thông báo và chúc mừng hai thành viên mới nhất, đó là Hội Hướng Đạo Honduras và Hội Hướng Đạo Việt Nam.  Nâng tổng số 64 quốc gia là thành viên của HĐ Thế giới.[13]



     Đoạn thứ ba của Thư tín trên được phỏng dịch như sau:

    “Tại Việt Nam, Phong trào Hướng đạo được bắt đầu vào khoảng năm 1932 và đã có nhiều năm gắn bó với Phong trào Hướng đạo của Pháp. Những năm qua là những năm khó khăn đáng buồn cho đất nước, nhưng các anh chị em Hướng đạo đã và đang làm xuất sắc, hết mình trong việc giúp đỡ chăm sóc những người dân di cư. Một kết quả của sự chia cắt đất nước hiện nay ở vĩ tuyến 17 là các anh chị em Hướng đạo mất đi trại trường huấn luyện cũ (Bạch Mã) của họ, nhưng họ đã thành lập một trại trường mới gần Đà Lạt. Quy Trình Hướng đạo hiện nay có từ năm 1952 và đã được sự chấp thuận của Bộ Thanh niên.[ ] Phong trào (HĐ) được mở rộng cho tất cả mọi người và được tổ chức tốt ở mỗi tỉnh của miền Nam, thống kê hiện nay là khoảng 5000 thành viên. Chủ tịch của Hội (HĐVN) đã đến thăm Văn phòng HĐ Thế giới vào tháng 9 năm ngoái và Ủy viên Công tác của chúng tôi, ông Padolina, cũng đã có hai chuyến thăm Việt Nam để xem công việc mà họ đang làm. Việt Nam dự kiến sẽ gởi một nhóm nhỏ đại diện tham gia trại Họp Bạn Jubilee Jamboree vào tháng 8.”

      Lần nữa với các văn thư chính thức gởi ra thông báo cho các quốc gia thành viên trên Thế giới, kèm với hình huy hiệu Hoa Bách Hợp, năm khai sinh và năm trở nên thành viên; lẽ nào việc viết sai hay không chính xác về năm khai sinh của phong trào HĐ tại Việt Nam lại không được đính chính ngay trong thời điểm đó bởi các trưởng có trách vụ? Đặc biệt là khi phải gởi đến Văn phòng HĐ Thế giới những giấy tờ cần thiết, liên quan khi đệ trình nộp đơn ghi danh trở nên thành viên.

Tuần Báo Bắc kỳ Thể thao, xuất bản ngày 8 tháng 11, 1932, trang 3, trong mục “Chung quanh Lửa trại” của tác giả Nguyễn Thụy Hùng, đoàn trưởng Lê Lợi và Hoàn Kiếm, có đoạn viết (xem hình đính kèm, H.Đ.S.P = HĐ sinh Pháp, T.C.H.Đ.S.P = Tổng cuộc HĐ sinh Pháp, T.C.H.Đ.V.N = Tổng cuộc HĐ Việt Nam) và nêu rõ từ lúc đó, ngày khai sinh của HĐ Bắc kỳ, các đoàn hiện có của trường sẽ được tự chủ sống lấy một mình, mặc dù vẫn phải trực thuộc với HĐ Pháp. Trong đoạn viết ngắn gọn này, nhận xét thấy các bậc trưởng tiền bối đã có ý muốn hoàn toàn đứng riêng độc lâp không trực thuộc vào Hiệp Hội HĐ Pháp.

    Vậy thì hai đoàn HĐ Lê Lợi và Vạn Kiếp, khởi thủy đều ghi danh với một trong các Hội HĐ của Pháp, cho đến khi các Hội trong từng miền của Việt Nam (Bắc Kỳ, Nam Kỳ, và Trung kỳ) chính thức hoạt động năm 1932, 1933 và 1934.  Đến lúc đó, sớm nhất 1932, các đoàn HĐ của người Việt (khi vẫn là thuộc địa của Pháp) mới có thể ghi danh với các Hội HĐ của từng miền, bắt đầu miền Bắc, kế miền Nam, và sau cùng miền Trung thay vì các Hội HĐ của Pháp, tự chủ sinh hoạt tuy vẫn dùng chung các tôn chỉ của các Hội HĐ của Pháp.

    Như vậy, nếu tính từ lúc có các đoàn HĐ đầu tiên của các trưởng người Việt điều hành, lúc đó chưa được tự chủ sinh hoạt và trực tiếp ghi danh với một trong các Hội HĐ của Pháp thì phong trào HĐ Việt Nam kể như đã có bắt đầu từ năm 1930.  Còn như nếu tính theo giấy tờ “khai sinh”, khi danh chánh ngôn thuận, tự chủ sinh hoạt với danh nghĩa “Hội” tại VN (lúc bấy giờ là Hội HĐ Bắc kỳ, chứ không phải là một trong 3 Hội của Pháp) thì là năm 1932. Người viết nghĩ rằng, vì lẽ theo thủ tục hành chánh, dựa trên giấy tờ “khai sinh” mà các thông báo được nêu trên từ BSIB đều ghi năm sinh của HĐVN là 1932.

      Tất cả với mong ước tìm về cội nguồn của Lịch sử Hướng Đạo Việt Nam.

                                           Những ngày cuối năm Tân Sửu,

                                                Sơn Dương Nhanh Nhẹn,

                                                           Trần Minh Hữu

                                            sonduongnhanhnhen@gmail.com

  


(Nếu đăng lại, trích dẫn, hay lấy những hình ảnh trong bài, xin ghi rõ nguồn)

Tác giả cảm ơn sự đóng góp ý kiến, cung cấp tài liệu của Trưởng TT, GTT, SĐT, CHD, CCĐ, NTT

 

------------------------

[1] Phạm Văn Nhơn, “Kỷ Yếu Hướng Đạo Việt Nam, 1930-1945”, 2009, 26

[2] Constitution of the World Organization of the Scout Movement, CHAPTER III, MEMBERSHIP, ARTICLE Requirements, Especially Article V.3: "A National Scout Organization in a sovereign state may apply for membership as a Member Organization”

[3] Hướng Đạo Thẳng Tiến, Cơ quan của anh em Hướng-Đạo Đông-Dương. Tháng 1, 1940, 3

[4] Chữ “Hội” đơn thuần là chuyển ngữ từ chữ “Association”, chỉ khi chính thức trở thành thành viên của HĐ Thế giới, chữ “Hội” đi chung với tên của quốc gia để chính danh cho Hội HĐ đại diện đất nước đó; ví dụ như Hội HĐ Nam Hoa kỳ, Hội HĐ Úc, Hội HĐ Gia Nã Đại, Hội HĐ Việt Nam, v.v. đối với HĐ Thế giới. 

[5] Hoa Bách Hợp - HĐVN

[6] Edward G. W. Wood, “Uniforms and Badges of the World”

[7] John S. Wilson, “Scouting Round The World”

[8] Báo Hướng Đạo Thẳng Tiến, Năm 3, Số 2, 20 tháng 5, 1937. ‘Liên Hội Hướng Đạo Đông Dương’

[9] BISF and FIAS

[10] Phạm Văn Nhơn, 316.  Lưu ý lúc này gọi Hội HĐ Việt Nam, nhưng đây chưa phải là Hội HĐ quốc gia chính thức được công nhận là thành viên của WOSM

[11]19570507 Vietnam Lr to Mr Tran Van Than WOSM Recognition.pdf

[12] Circular n 20 1957 EN Vietnam.pdf

[13] Vietnam World Scouting 1957.pdf

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét