Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG ĐỂ VƯƠN LÊN

                                                                      Lm. LT. Trần Hoà

      Việc được giáo dục và tự giáo dục đối với mỗi người là rất quan trọng. Con người cao quý hơn con vật ở điểm đó. Mỗi người phải tìm ra cách để học hỏi, giáo dục mình mới mong sống có ích cho bản thân và xã hội. Tôi xin giới thiệu với các bạn trẻ một khía cạnh giáo dục để thành công trong cuộc sống là phát triển thế mạnh và quên đi thế yếu của mình.

 Thế nào là thế mạnh, thế yếu?

     Mỗi người dù giàu hay nghèo, học thức hay chân quê, già hay trẻ, đều có những mặt mạnh và những mặt yếu. hay thế mạnh và thế yếu. Nếu biết phát triển, chúng ta vẫn có thể phục vụ tốt nhất cho bản thân, gia đình và xã hội thay vì quên nó, chôn vùi nó một cách uổng phí.

     Thế mạnh là những khả năng thế chất và tinh thần: khá, giỏi giang, Tạo Hoá ban cho mỗi người, đi theo với tâm hồn và thân xác cách tự nhiên. Ví dụ có người chẳng học vẽ bao giờ, nhưng vẽ rất đẹp. Có người có thể nhảy cao, chạy nhanh hơn những người khác, dù là chưa được học luyện. Người ta gọi đó là mặt mạnh, tiềm năng nơi con người mà ai ai cũng có, không có cái này thì có cái khác. Có thanh niên nói: tôi thật bất tài, chẳng được việc gì cả! Nói thế là quá tự ti, bạn ấy chưa nhận ra những khả năng của mình thôi.

     Thế yếu hay mặt yếu là sự yếu kém về những cái người khác coi là thông thường, nhưng với người này lại rất khó khăn. Ví dụ việc tính toán với môt số người không dễ làm, tuy với người khác lại dễ; có người tự nhiên lúc nào cũng chậm chạp đi sau người ta. Theo Tiến sĩ Anthony Gell, với những mặt yếu này, nếu chưa có thời gian bổ túc, ta hãy quên nó đi và tránh sử dụng chúng.

 Tại sao ta phát triển thế mạnh?

     1. Phát triển thế mạnh giúp ta tự tin, can đảm và sống vui: đa phần các thanh niên nam nữ đều mặc cảm tự ty, một số tự tôn vô lối và bị người khác xa lánh. Người tự ty thường không thích đám đông, ít khi xuất hiện trước công chúng, vì nghĩ rằng mình thiếu sót, kém cỏi, có thể có khuyết tật nào đó về tâm trí hay thế xác... Nhưng khi anh chị ấy đã có dịp phát triển được thế mạnh nào đó của mình, thì tức khắc trở nên tự tin, vui vẻ, can đảm khác hẳn với thời gian mặc cảm trước đây. Với thời gian, anh chị sẽ có dịp phát triển các khả năng khác nữa. Giúp người khác chuyển đổi cuộc sống như thế là một việc làm vô cùng quan trọng. Người Đức đã nói: “Mất tiền là mất nhỏ, mất danh dự là mất lớn, mất can đảm là mất tất cả.”

      2. Thế mạnh giúp ta tăng giá trị và uy tín: người ngoài, kể cả cấp trên thường đánh giá ta qua những thành tích và uy tín bên ngoài mà thế mạnh đem lại cho chúng. Nếu được đề bạt, chắc chắn những thành tích và uy tín kia là nội dung cấp trên cần phải tham khảo hơn cả. Chẳng mấy ai để ý đến đoàn quân bại trận trở về.

      3. Thế mạnh giúp ta dễ thành công hơn, giúp ta đi lên trong cuộc sống vì sẵn có đà tiến. Nếu ta tiếp nhận mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực thế yếu, ta sẽ dễ thất bại. Vì những thất bại đó, ta dễ mang mặc cảm cho rằng mình không có khả năng và từ đó chán nản, không còn quan tâm đến việc phát triển bản thân và không dám dấn thân nữa. Thật là tệ hại! Chuyện này thường xãy ra với nhiều thanh niên nam nữ, nhất là vùng thôn quê.

     Trường hợp vào thế yếu, mà ta không thể từ chối, ta nên trao đổi với cấp trên hoặc hoãn lại hoặc nhờ người khác làm thay thế.

      4. Thế mạnh sẽ giúp mỗi thành viên phát triển, góp phần mình cách đúng mức vào sự phát triển chung của tập thể. Khi gia nhập tập thể chắc chắn mỗi người sẽ có cơ hội hơn để phát triển các thế mạnh của mình. Và họ sẽ được trưởng thành, mạnh mẽ, linh hoạt hơn giữa tập thể. Đó là mục tiêu cuộc sống của mỗi người. Một cuộc sống ngoài các tập thể là cuộc sống hết sức nghèo nàn và bế tắc.


 Làm thế nào nhận ra thế mạnh của mình?

     Chúng ta sẽ làm theo cách sau đây:

1. Những gì ta thích, ta cứ làm thử, nếu ta đạt kết quả tốt, đó là thế mạnh của ta, vì ta đã thích nó, nó mang lại kết quả lớn cho ta. Ta phải chộp lấy nó ngay chứ! Chắc chắn nó sẽ đem lại cho ta thành công.

2.Ta nghe người khác nhận xét về ta: họ lưu ý đến những điểm gì, việc gì, khả năng nào, thành tích nào của ta. Đó là điểm mạnh của ta. Họ nói: chị ấy ăn làm việc gì cũng chu đáo; anh ấy có tài tổ chức! ông ta là nhà lãnh đạo tuyệt vời…

3.Ta xin những bạn bè, người thân cho biết thế mạnh của ta cách thành thật. Họ sẽ cho ta biết bởi họ đã thấy tận mắt những thành quả làm việc của ta.

Phát huy điểm mạnh thế nào?

     Sau khi đã biết những điểm mạnh của mình, chúng ta tìm cách phát triển chúng:

1. Học hỏi, trau dồi thêm nơi những người tài, nơi trường đào tạo: sau khi biết được những điểm mạnh của mình, chúng ta sẽ tìm hiểu, học hỏi thêm nơi những người chuyên môn, nơi đào tạo chuyên ngành: chuyên môn thể thao, đàn, hát, tổ chức, buôn bán…Nếu ta không học luyện, trau dồi thêm, những mặt mạnh kia sẽ chỉ phát triển ở mức tầm thường, có khi tàn lụi đi cách vô ích.

2. Luôn làm việc với điểm mạnh: chúng ta hãy chọn những việc phù hợp với những điểm mạnh của mình, vì đi từ khá đến giỏi thì dễ hơn là đi từ kém đến khá, giỏi. Ai cũng có nhiều điểm mạnh, ít khi chỉ có một điểm. Ta hãy coi những người nổi tiếng, thành công trong xã hội như các chính trị gia, giáo sư, chuyên gia, nghệ sĩ… họ luôn luôn triển khai và làm việc trên điểm mạnh của họ mà ta gọi là có khiếu, có khả năng thiên phú. Ai cũng có khả năng thiên phú không mặt này thì mặt khác, có khi theo từng giai đoạn của tuổi đời. Có thể ở tuổi trẻ ta chưa trổi trang, nhưng vào trung niên, nhiều tài năng lại nở rộ và thành công rực rỡ.

3. Tránh ganh đua, kiêu căng và ôm đồm khi nghĩ rằng mình có thể làm tốt mọi việc. Đó chỉ là ảo tưởng, không bao giờ ta có thể làm như vậy được. Ta hãy trao những việc phù hợp cho người khác, nếu ta là cấp trên của họ. Còn ta, hãy chú tâm vào việc của mình. Khi ta ganh đua hay lên mặt với người khác, ta đã làm mất đi nghị lực của mình và làm sai lạc thế mạnh trong công việc mình đang làm. Và có thể đưa đến thất bại, làm ta nghi ngờ về hiệu quả của thế mạnh mình đang có. Theo kết quả điều tra của tổ chức Gallup thực hiện trên 1,7 triệu công nhân, chỉ có 20% người làm việc theo thế mạnh của mình tại các công ty, xí nghiệp.

4. Dựa vào thế mạnh chọn mục tiêu cho cuộc sống: thế mạnh và mục tiêu cuộc sống luôn đi đôi với nhau vì nó gợi hứng cho ta trong các sinh hoạt hằng ngày và hướng ta về mục tiêu để ta chọn cho cuộc sống của mình. Ta gọi đó là hướng đi cho cuộc sống. Người khôn ngoan là người suy nghĩ, dựa vào thế mạnh mà chọn cho mình một hướng đi để đạt mục tiêu hay lý tưởng cho cuộc đời.

     Thượng Đế cho ta nhiều khả năng để sống và phục vụ như những quà tặng. Nếu ta không tìm hiểu và phát huy chúng, ta có lỗi với Trời và với xã hội. Những người tài giỏi trên thế giới đều là những người hiểu biết và phát triển khả năng của mình mà trở nên thành công, nổi tiếng, có khi từ thời niên thiếu, có khi đã trưởng thành và họ đã góp phần rất xứng đáng trong việc xây dựng thế giới này. Chúng ta nhất định sẽ làm được như những người đi trước, có khi còn làm hơn họ nữa, nếu chúng ta cố gắng.

      (STK: 1. The book of Leadership của Anthony Gell; Leadership Gold của John Maxwell)

                                             


                                                                 Lm. LT Trần Hòa

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét