Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

MIỀN ĐẤT HỨA

 


Báo khiêm tốn Lê Ngọc Bưu 

    Năm 2022, Hướng đạo Việt Nam có mặt trên đất nước Việt Nam tròn 92 năm, với nhiều thăng trầm theo dòng lịch sử nước nhà. HĐVN là một tập thể thanh thiếu niên rất sinh động. Từ năm 1930, khởi đầu với 2 đoàn Thiếu và Ấu tại Hà Nội, đến năm 1975 đã có 10.237 đoàn sinh và 251 huynh trưởng.

   Từ năm 1975 đến năm 1990, HĐVN tạm ngưng; nhưng sau một thời gian thầm lặng, đã tái sinh hoạt. Theo thống kê kỷ niệm 90 năm HĐVN, năm 2020 có:

-           12 Châu và 1 Liên đạo Xuân Hòa.

-           108 Liên đoàn.

-           40 Đạo, với khoảng 8.000 đến 10.000 HĐS và khoảng 500 Trưởng có HHR.

    Đến ngày 10.01.2019, HĐVN được chính thức trở thành thành viên thứ 170 của tổ chức Hướng đạo Thế giới (WOSM).

   Trong cuốn sách “Hướng dẫn vào nghề Trưởng”, Baden Powell đã xác định: Đoàn Hướng đạo cần phải có huynh trưởng hướng dẫn. Người trưởng HĐ phải được huấn luyện từ trại trường. Từ năm 1938 đến 1945, HĐVN có các trại trường: Bạch Mã, Tùng Nguyên… đã đào tạo bao thế hệ huynh trưởng. Nhưng nay do chiến tranh, các trại trường đó đã đi vào lịch sử. Từ năm 1990 HĐVN tái sinh hoạt “chui”, nên có nhiều trại trường di động, phần nhiều nhờ vào khuôn viên nhà chùa, tu viện và nhà dòng rộng mở. Nhưng các địa điểm này thường bị nhóm Hát Đê tu hú rình mò chỉ điểm.

   Tầm nhìn tương lai, chúng ta phải nghĩ đến miền đất (Huấn luyện) cân đối về địa lý, để các Trưởng ba miền: Bắc – Trung – Nam, có thể di chuyển dễ dàng, ít tốn kém. Thời kỳ khó khăn trong việc huấn luyện đã 22 năm qua rồi (1990-2022). Đến nay, năm 2022, Toán HLQG/ HĐVN (Danh xưng mới là: Uỷ ban Quốc gia Huấn luyện và Nguồn lực Trưởng) nên có tầm nhìn về tương lai, để việc đào tạo Trưởng có hiệu quả hơn.

   Thời kỳ có Hội, với trụ sở 86 Hàng Trống Hà Nội và 18 Bùi Chu Saigon, đã qua. Lịch sử VN đã sang trang và mọi việc đã thay đổi, nhất là việc huấn luyện cho các thế hệ trẻ kế thừa là rất quan trọng. Với niềm khát khao cho lớp Trưởng kế thừa, buộc quí Trưởng trong toán HLQG hiện nay, nên nhìn lại chính mình. Thế hệ huynh trưởng nay đang già và gần già mà phong trào HĐVN đến tuổi 100 năm (Năm 2030) phải có thế hệ Trưởng của thời điểm kỷ niệm HĐVN tròn 100 tuổi.

   Xin quí Trưởng hiện nay nên quan tâm đến miền đất làm trung tâm cho các trại trường huấn luyện. (Theo Quy chế huấn luyện Trưởng năm 2022 có cơ cấu bộ phận: “Uỷ viên Quản trị Huấn luyện”, và có các “Toán Quản trị Huấn luyện Miền”, với trách nhiệm là: “đảm trách các công tác về trại trường, cơ sở vật chất…” thế nhưng không biết trại trường của các miền ở nơi mô?  Nếu các khóa HL vẫn duy trì tại Saigon – Gia Định – Đồng Nai, thì việc di chuyển có phần khó khăn cho các khóa sinh ở quá xa. Hướng đạo miền Trung, miền Bắc ngày càng phát triển. Về kinh tế tài chánh người trưởng HĐ đa số thuộc giới bình dân, chỉ đủ nuôi gia đình nghèo và cận nghèo. Mỗi lần theo khóa huấn luyện nơi xa tận miền Nam, phải bóp bụng chi tiêu gia đình mới đủ chi phí. Vì thế cần phải có miền đất trung phân hợp lý cho 3 miền Bắc- Trung- Nam. Miền đất đó chúng ta tạm gọi là miền đất hứa. Đất hứa cho HĐVN phải hội đủ “Thiên thời, địa lợi và nhân hòa”

   Phải chăng miền đất thuộc hai Châu Đà Nẵng và Châu Liên Quảng có đủ 3 yếu tố trên, và là nơi thuận tiện cho các khóa sinh ở miền Trung và Miền Bắc…

   Thành phố Đà Nẵng nằm về phía nam đèo Hải Vân, với nhiều yếu tố đặc biệt về lịch sử và văn hóa.

- Đà Nẵng, Quảng Nam có nhiều di tích lịch sử của kinh đô Chiêm Thành, nay còn có Thánh địa Mỹ Sơn.

- Về văn hóa có Dinh Chiêm, nơi xuất phát chữ quốc ngữ vào thế kỷ XVII, có Hội An là nơi giao lưu với nhiều nước như Nhật, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Ý…

- Năm 1306, Huyền Trân Công Chúa vâng lệnh vua cha làm vợ vua Chiêm là Chế Mân với quà cưới là hai châu Ô Champa và châu Rí, lãnh thổ Đại Việt được mở mang dần dần về phía Nam.

- Năm 1417 vua Lê Thánh Tông đánh Champa bên kia đèo Hải Vân đến Phú Yên. Người Việt di dân khai phá vùng Thuận Quảng.

- Ngày nay vùng Trà Kiệu còn lưu dấu 13 dòng tộc thủy tổ đã di dân thời Lê Thánh Tông để mở mang bờ cõi, mà con cháu ngày nay vẫn còn lập đền thờ (Nhà thờ Ngũ Xã Trà Kiệu) để kính nhớ tổ tiên.

- Thành phố Đà Nẵng có nhiều danh xưng:

      Thành phố năng động.

      Thành phố đáng sống.

      Thành phố 5 không 3 có.

      Thành phố của những chiếc cầu…

Châu Đà Nẵng và Châu Liên Quảng có 4 Đạo và khoảng 2000 HĐS, trên 100 Trưởng có HHR.

   Thế hệ huynh trưởng thứ 3 hiện nay là Thiếu sinh và Kha sinh, đến năm 2030 họ sẽ trưởng thành cùng với thế hệ Trưởng trên toàn quốc, sẽ đưa phong trào HĐVN phát triển toàn diện hơn. Đà Nẵng và Châu Liên Quảng có nhiều địa điểm tốt cho việc huấn luyện như: Hội An, Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Tam Kỳ, Cù lao Thuận Tình, Suối Lương, Bãi Rạng…

Cầu chúc Toán HLQG tìm được miền đất hứa để ổn định việc huấn luyện Trưởng HĐVN ở miền Trung và miền Bắc.

                     

                                                                Lê Ngọc Bưu

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét