Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

HƠI THỞ TÙNG NGUYÊN



Trần Bá Thảo

     Năm 1936, André Lefèvre, thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo Pháp tại Đông Dương, đã thành lập một trại huấn luyện ở Đà Lạt cho 60 Trưởng Hướng đạo từ khắp Đông Dương thuộc Pháp.           

     Năm 1958, trại huấn luyện quốc gia "Tùng-Nguyên" được thành lập, dưới sự điều hành và hướng dẫn của Trưởng Cung Giũ Nguyên. Đây là nơi đào tạo tất cả các Trưởng Hướng đạo từ năm 1958 đến 1975.

   

  Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, của tranh chấp, của giành giật, nó vẫn sừng sững ở đó. Các anh em Hướng đạo đã từng đến đây để ôn lại chút kỷ niệm xa xưa của phong trào. Những hàng thông thẳng tắp, những cây mua, cây sim hoang nở bông hoa tím biếc. những bước chân xưa, những lần cắm trại, làm nhà sàn, tác tạo tiền phong, tất cả để lại trong tôi những hình ảnh chẳng bao giờ quên.

     Thế hệ anh em chúng tôi rất nhiều người mê phong trào HĐ như tín đồ sùng đạo, xem đó như bản phúc âm dự báo cho một thứ sinh hoạt tinh thần mới… lại càng rực rỡ thăng hoa qua những lần cắm trại, sinh hoạt, picnic (picque-nique)… Số lượng Trưởng ngày càng tăng, Tráng sinh ngày càng nhiều, phong trào ngày càng phát triển, thấm nhuần vào trong đó với một ý thức mạnh mẽ rằng: một Tráng sinh có thể sống tốt hơn, nhìn thấu hơn và cảm thông với nhau hơn, nếu họ dành nhiều thời gian để học cách “Hiểu”. Không chỉ Hiểu nhau mà còn Hiểu hơn về thế giới mà họ đang sống và yêu thương thế giới này bằng tất cả những gì mà họ có thể. Gạt bỏ lòng tham, sự ích kỉ và hẹp hòi, để mở lòng với xung quanh là cái đích mà mỗi Tráng sinh cần vươn tới. Người Tráng sinh không đầu hàng, ngại khó, dù chỉ một phần trăm. Nhiều Trưởng đã ra đi thảnh thơi, nhẹ nhàng lìa Rừng, mặc cho trên mộ phần của họ bao “hạt mưa đời” cứ rơi.


     Các thế hệ Tráng sinh nối tiếp vẫn cứ đi tìm kiếm nguồn cội, nhưng càng tìm kiếm càng đi vào mơ hồ và rối rắm. Bởi thế, những cuộc gặp gỡ luôn như trong ảo mộng, như cầm cái đẹp, sự ấm áp về tình huynh đệ hướng đạo trong tay mà cảm giác luôn bất an, luôn khởi lên thường trực cái bằng mặt chứ không bằng lòng. Ở tận cùng của tất cả những kiếm tìm lặp đi lặp lại, ở mọi kết nối với những “người anh em xa lạ” đầy mong manh, tôi nhận ra rằng: Từ thăm thẳm lãng quên, để anh chị em chúng tôi khỏi lạc trong rừng Tùng Nguyên này, Hướng đạo phải luôn là hiện thân của sự đoàn kết, dựa trên sự nhường nhịn, cảm thông, tha thứ, gần gũi, để tạo nên được tình huynh đệ thắm thiết này. Cái hay của Lề Luật ở đây không phải là sự bắt buộc mà chính là sự tự giác. Tự cảm thấy mình là một yếu tố nhỏ để tổng thành tập thể, từ đó luôn tìm cách làm cho tập thể phát triển hơn và gắn kết hơn với các Hướng đạo sinh khác. Tráng sinh tạo ra các hoạt động thú vị kết hợp phát triển cá nhân với phục vụ có ý nghĩa. Ở góc cạnh của tuổi già lạc lối, có người từng nói rằng, nếu như cuộc đời chính là giai điệu của hạnh phúc, ngợi ca tình yêu đầu đời, thì đổi lại phong trào HĐ chính là khoảnh khắc của một Tráng sinh dày dạn từng trải, không than van, cũng chẳng hối tiếc, khi ngoảnh mặt nhìn lại cuộc đời của họ cho dù một chút ngậm ngùi chợt thoáng qua. Thực tế anh em chúng tôi cũng đã từng cười, đã từng hát, hát trong nghịch cảnh của thời gian, hát trong nghịch cảnh của lòng người, để có được tất cả mọi thứ mà chúng tôi hy vọng. Mỉm cười khi thấy đau, hát lên khi dằn vặt, hét to mỗi khi nỗi đau cuộc sống cùng cực vật vã, vỡ vụn; Khi nhìn thấy bề ngoài thì thân quen nhưng bên trong lại toát lên sự thờ ơ, xa cách. Nở nụ cười tươi mà giấu nhạt nhòa nước mắt trong tim.    

    Một cơn gió nhẹ thoảng qua. Ngọt ngào, say đắm và tình cảm…dấu ấn của không gian xưa, không gian của nguồn cội tĩnh lặng, nơi thiên nhiên và phong trào chảy tràn vào nhau, nơi ta nghẹt thở trước không gian-thời gian chồng lớp lên nhau, để rồi giờ chỉ còn là bãi đất hoang, trống vắng, thưa thớt những bước chân mang hạt giống giúp ích và phục vụ. Bằng sự cay nghiệt đầy lạc quan, tôi nghĩ rằng Tùng Nguyên là sự cộng hưởng của mọi thứ trong sinh hoạt Hướng đạo, không chỉ đem lại cho người ta những điều đẹp đẽ, là chìa khóa mở ra những thứ tuyệt diệu cho đời sống của người Tráng sinh, mà còn là chìa khóa để khóa kín những hy sinh, chịu đựng, giúp người Tráng sinh thêm sức mạnh và niềm tin, để cùng hợp tác ở bên nhau, thực hiện nguyên lý của Phong trào Hướng đạo: Tâm linh (Spirituel) – Cộng Đồng (Social) và Nhân vị (Personnel) .

    Tôi lặng lẽ đi về cuối dốc, trầm ngâm, lạc lõng như giữa xứ người xa lạ…Nơi đây chỉ còn trơ sỏi và đá, không còn những hàng thông cao thấp trùng điệp. Khung bàn thờ bằng ciment còn đó, rêu phong…Nhiều thứ đã biến mất, nhưng hơi thở cuả Tùng Nguyên vẫn mãi còn… Trời đổ mưa tầm tã, tưới đẫm những tấm lều bạt của chúng tôi, và bên trong, nhiều anh em đã khóc vì một tình huynh đệ bền chặt với lời tâm nguyện: đừng để lạc mất nhau giữa rừng lịch sử Tùng Nguyên Đà Lạt.  

 


                                                          Trần Bá Thảo

                                 Tráng niên Hoa Lư, Đạo Ái Tử - Quảng Trị

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét