Gấu tận tuỵ + PV/VT
Chắc chúng ta ai cũng biết cuộc chơi lớn: “Hỏa Bài” của Liên hội HĐ Đông Dương vào ngày 14-7-1943. Đó là cuộc chơi lớn vang dội cả nước, với nội dung: Hướng Đạo sinh mang bức Hoả Bài của Đức Hoàng Đế Gia Long, từ Hà Nội đến quan Tổng Trấn Lê Văn Duyệt ở thành Gia Định (Sai Gòn); truyền cho toàn dân biết rằng: nước Việt Nam nơi nơi đều thái bình và Nam-Trung-Bắc đã thống nhất, biên giới được kéo dài từ Hà Tiên đến Cao bằng. Chiếu chỉ được viết bằng chữ quốc ngữ và chữ nho, đựng trong một ống tre.
Thế nhưng chúng ta ít biết đến sự kiện: “4 Tráng sinh đạp xe đạp đi thăm các thủ phủ ở Đông Dương”, vào ngày 1 tháng 3 năm 1942 (trước sự kiện Hoả Bài 1 năm), như một sự thao dược để mở đầu cho cuộc chơi lớn: “Hoả Bài” sắp được tổ chức…
Mới đây, chúng tôi có nhận được 2 bài báo cũ, cách đây 80 năm, có ghi lại sự kiện: 4 Tráng sinh đã đạp xe đạp đi thăm các nơi trên Đông Dương, do Trưởng Gấu Tận Tuỵ chia sẻ, với lời nhắn nhủ thăm dò: “Bạn Có Biết?” và Trưởng Gấu Tận Tuỵ đã nói rõ như sau:
“Cách đây 80 năm, Liên hội Hướng đạo Đông Dương đã có ý kiến tổ chức một cuộc đi thăm các thiếu đoàn, bầy, tráng đoàn ở các xứ bằng xe đạp.
Ngày 1 tháng 3 năm 1942, tại trụ sở Liên hội (86 Rue Jules Ferry Hanoi, bây giờ là Phố Hàng Trống), với sự hướng dẫn và giới thiệu của anh Tổng Ủy viên Hoàng Đạo Thúy, khoảng 200 HĐS đã tập họp để tiễn đưa 4 anh tráng sinh (Liên, Bằng, Kiên, Đỉnh) lên đường.
Lộ trình bắt đầu từ Hà Nội, theo con đường thuộc địa số I, thẳng tới Phan Rang, ghé ngang Đà Lạt rồi tới Sài Gòn và Phnom-Penh.
Ở mỗi nơi, bốn anh tráng sinh đi xe đạp sẽ xin chữ ký của các Trưởng, các em Sói con và Thiếu sinh, Tráng sinh vào 3 quyển sổ vàng được mang theo. Những quyển sổ này, sau cuộc chơi lớn kết thúc sẽ đệ trình lên Thủy sư Đô đốc Decoux, Toàn quyền Đông Pháp và 2 vị vua đương thời là Bảo Đại và Norodom Sihanouk.
Tưởng cũng nên biết là đại gia đình Hướng đạo Đông Dương lúc này khoảng 5 ngàn người, điều đó chứng tỏ một khối đại đoàn kết, giữ vững mối dây trong niềm tự hào và sung sướng, hãnh diện có 4 Tráng sinh đã làm nên sự việc mà mọi người đều có thể trông cậy, và tin tưởng vào tương lai của một thế hệ trẻ đầy năng lực và giúp ích”. (Gấu Tận Tuỵ)
Trước hết trên tờ báo “Thể thao – Thanh niên, Đông Dương” (Sports – Jeunesse d’Indochine) tại Hà Nội, số ra ngày 7 tháng 3 năm 1942, đã đăng hình và đưa tin: “Cuộc tiễn đưa 4 HĐS đi chơi xuyên Đông Dương bằng xe đạp” (le depart de 4 scouts pour la vísite cycliste à travers l’ Indochine).
Còn tờ tuần báo Thể Thao, xuất bản ngày 27 tháng 3 năm 1942 tại Sai Gòn, đã ghi lại quảng cảnh Tổng Cuộc HĐ Nam Kỳ đã tiếp đón đoàn 4 Tráng sinh khi đến Saigon.
Để thông tin rộng rãi cho mọi thành viên HĐVN được biết để tự hào về các Trưởng tiền bối của chúng ta, đồng thời lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau, tập san VT xin đăng lại bài báo này một cách nguyên vẹn, đúng với cách hành văn và chính tả thời đó. mà không chỉnh sửa.
Từ Hanoi, 4 hướng đạo viên lực lượng đã khởi hành từ 1er Mars (ghi chú: tức ngày 1 tháng 3). Cứ đến mỗi tỉnh lại có các hướng đạo viên sở tại đón tiếp và đưa đi đến tỉnh kế cận.
Và hôm ngày 11 Mars (Tháng 3), các hướng đạo viên đã đến Huế và đã được Vua Bảo Đại tiếp kiến.
Hôm sau họ lại lên đường dong ruổi vào Nam, Hôm 20 đến Nha Trang, 23 đến Đàlạt. Đến sáng hôm qua thứ năm, họ khởi hành từ Lagna để đi về Saigon.
Tổng Cuộc Hướng Đạo Namkỳ nhân dịp này đã có tổ chức một cuộc tiếp rước hết sức long trọng.
Tối thứ tư tại Lagna đã có một đoàn hướng đạo viên lên đón đoàn hướng đạo Trung Bắc và cùng nhập đoàn đi về Saigon.
Tới Bình Lợi vào chiều tối hôm qua, lối 4 giờ rưỡi.
Ở đây đã có một đoàn hướng đạo đợi chờ tiếp rước để đưa về Saigòn, tại hội quán của Tổng Cuộc ở sân Mayer.
Lúc này vừa đúng 5 giờ.
Một cuộc tiếp rước rất long trọng đã bày biện. Hầu hết mấy trăm hướng đạo sinh, sói con pháp nam, nam nữ đều tựu họp đông đảo.
Trước sân Tổng Cuộc có để sẵn ba quyển sổ vàng, mà các hướng đạo viên, các sói con đều lần lượt đến ký tên vào.
Ba quyển sổ này sẽ gởi dâng cho vua Bảo Đại, vua Cao mên và Quan Toàn Quyền.”
(Sao y nguyên văn)
(*). Ngày trước xe đạp cũng thường được gọi là xe máy. Còn xe môtô thì gọi là xe máy nổ, hay là xe gắn máy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét