Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

TRANG TƯ LIỆU XƯA

    GIỚI THIỆU

TẬP SÁCH HƯỚNG ĐẠO VIỆT NAM ĐẦU TIÊN

                              Phạm Cảnh Đáng & Trần Minh Hữu

                                                         (Tiếp theo số 21)

   Cách đây hơn 90 năm, khi phong trào Hướng đạo chưa chính       thức thành lập tại Việt Nam, thì một tập sách về Hướng đạo đầu tiên đã ra đời tại Hà Nội. Đó là tập:

 “ĐOÀN HƯỚNG ĐẠO – thêm một bài thể thao rễ tập”, do tác giả Ba Tô dịch. (Ba Tô là bút hiệu của thầy giáo Hoàng Đạo Thúy).


   Từ năm 1925 thầy giáo Hoàng Đạo Thúy đã rất thích phương pháp giáo dục mới mẻ của phong trào Hướng đạo do Tướng Baden Powell đề xướng. Thầy Thúy đã tìm đọc các tài liệu nói về phong trào Eclaireurs (Hướng đạo) của Pháp (lúc đó người Tàu gọi là phong trào Đồng Tử quân), và đã đem áp dụng cho các em học sinh của Thầy ở Cao Bằng. Đến năm 1929, khi về dạy học tại Hà Nội, tình cờ thầy đọc được những bài báo chuyên đề về việc giới thiệu phong trào Eclaireus trên tạp chí “Animateur des Temps Nouveaux”. (Cổ vũ cho Thời đại mới). Thích quá, thầy giáo Thúy mới bỏ công sức dịch sang Việt ngữ và chọn lựa những điều cốt yếu quan trọng của phong trào để tóm lược thành một tập sách nhỏ, hầu quảng bá rộng rãi cho người Việt Nam ta biết đến một phương pháp giáo dục mới, bổ sung cho việc giáo dục ở nhà trường, gia đình, để mọi người cùng chung tay giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam được tiến bộ về mọi mặt và phát triển tinh thần yêu nước. Công việc chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt cũng rất cẩn trọng và chính xác. Thầy Thúy không dịch từ Eclaireus Pháp ngữ sang tiếng Việt là Đồng Tử quân như người Tàu, mà trái lại thầy chọn chữ và dịch là “Hướng Đạo Đoàn”, vì từ Hướng đạo mới lột tả được tính đặc thù của phong trào mà người sáng lập có chủ đích hướng đến. Thầy đã so sánh và lý giải một cách rõ ràng và chính xác, giữa 2 từ Đồng Tử quân và Hướng Đạo đoàn, trong tập sách của mình (xem trang 5 tập sách). Đến đầu năm 1930, công việc biên tập đã xong, thầy đem đến nhà in Đông Tây, tại số 193 phố hàng Bông Hà Nội để xin in và phát hành. Tập sách được in và phát hành khoảng tháng 5 tháng 6 năm 1930. Ngày 22 tháng 9 năm 1930, nhà in đã nộp bản in lưu trữ (Depôt legal) theo thông lệ, cho cơ quan quản lý lưu giữ. Nhờ đó mà hiện nay (trên 90 năm) tập sách còn được lưu giữ tại tàng thư ở Pháp quốc. Có lẽ bản lưu này là bản duy nhất còn sót lại chăng, vì ngay cả tác giả và người thân trong gia đình cũng không còn. Hiện nay chúng ta có được bản sao tập sách này là nhờ Trưởng Trần Minh Hữu đã cố công truy tìm. Trưởng Trần Minh Hữu đã chia sẻ: “Em, đã lâu lắm rồi, viết trên mạng xã hội tìm quyển sách này từ hết HĐ trong và ngoài nước, nhưng không ai trả lời. Em phải mất rất nhiều thời gian tìm tòi mới ra quyển này”. Hoan hô tinh thần nhiệt huyết của Trưởng Trần Minh Hữu, vì yêu mến phong trào HĐ nên mới hy sinh rất nhiều công sức để tìm và mua bản sao chép này. Vững Tiến xin AAA một tiếng thật lớn để hoan hô tình thần của Trưởng. Đồng thời Trưởng đã đồng ý cho tập san Vững Tiến giới thiệu đến quí Trưởng và bạn đọc tập tư liệu đầu tiên quí hiếm của HĐVN này.

   Về hình thức thì tập sách gồm có 21 trang A4, trình bày đơn giản, có nhiều hình vẽ minh họa, nhất là phần “một bài thể thao rễ tập”.

  Về phần nội dung thì ngay trang đầu, tập sách đã minh định rõ ràng về mục đích cao cả của phong trào Hướng đạo là: “Không có mục đích tập làm lính mà tập cho trẻ nhỏ “NÊN NGƯỜI”. (chứ không phải là ngượm). Tập sách dùng chữ quốc ngữ chứ không dùng chữ Hán hay chữ Pháp, là ngôn ngữ đang thông dụng thời bấy giờ. Chúng ta biết rằng, dưới thời kỳ Bắc Thuộc chúng ta phải dùng chữ Hán để thiết lập văn thư sách báo. Đến khi Pháp đô hộ, họ lại bắt dân ta học chữ Pháp để giao thương. Đến năm 1915, các khoa thi cử bằng chữ Hán tại Bắc Kỳ mới được bãi bỏ. Ở Trung Kỳ, tháng 12 năm 1918, vua Khải Định mới ra đạo dụ bãi bỏ các cuộc thi cử dùng tiếng Hán (chữ Nho), và thay vào đó là dùng “chữ quốc ngữ” (là loại chữ theo mẫu tự Latin, do các nhà truyền giáo ngoại quốc sáng chế ra). Thời kỳ này chữ quốc ngữ còn phôi thai, thời “bình dân học vụ”, nên cách hành văn, cú pháp cũng như văn phạm, chính tả chưa được hoàn chỉnh; văn từ quốc ngữ thời kỳ đầu còn rất nhiều hạn chế. Do đó mà tập sách “Hướng Đạo đoàn” cũng không tránh khỏi những từ ngữ xưa cũ và có tính cách vùng miền. Như từ “rễ” tức là dễ, “nói rối” tức là nói dối, “nhời” tức là lời, “mùi kaki” tức là màu kaki… và một vài danh xưng chưa hoàn thiện như ngày nay: “Danh nghĩa” nay là Danh dự; “Hết lòng hết sức” nay là gắng sức; “Chỗ trời đất rộng giãi” nay là ngoài trời, “Đoàn” nay là Đội, và “Đội” nay là Đoàn …

 Tuy có vài trở ngại về ngôn từ nhưng nội dung chính yếu vẫn còn nguyên giá trị, vì tôn chỉ, mục đích cũng như phương pháp của Hướng đạo nguyên thủy vẫn không có gì thay đổi

  Giờ đây chúng ta sẽ lần lượt lật từng trang của tập sách để thấy rõ ràng hơn.

 (tiếp theo từ trang 11 đến trang cuối là 21)   














































 


Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét