Thứ Hai, 2 tháng 1, 2023

ĐI BỘ VÀ THÁM DU

 

 Lâm Vinh

       Với cuộc sống xô bồ, hối hả như ngày nay, ngoài việc rèn luyện thể lực, đi bộ được xem như là một việc xa xỉ vì tiêu tốn nhiều thời gian. Trong Phong trào Hướng đạo, nhất là những cuộc thám du, khi đề cập đến vấn đề này vẫn còn nhiều người không ủng hộ. Có nhiều lý do tiêu cực mà một số HĐS lớn tuổi viện cớ là: Sợ nguy hiểm khi để các em di chuyển trên đường lộ, không đảm bảo sức khỏe vì đi dưới ánh nắng mặt trời, hít bụi khói xe cùng vô vàn nguy cơ rình rập…và…Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là ngại khó và lười biếng vận động. Vì thế, khi đưa ra ý định tổ chức một cuộc thám du trong ngày cho các em Thiếu sinh, Ban Huynh trưởng Thiếu đoàn Hoành Sơn đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

      Cái khó nhất của Đoàn là, đa phần các em còn nhỏ và chỉ mới tham gia phong trào sau hai năm dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc và tiền trạm kỹ lưỡng nơi dự kiến, chúng tôi đã cho các em làm quen dần với đi bộ đường dài bằng cách, liên tiếp nhiều tuần liền, đều cho đi quanh công viên một vòng để “Dự trữ năng lượng”. Cho nên, khi lên chương trình đi bộ thám du chính thức, đã được các em cùng phụ huynh hưởng ứng tích cực.

     Giờ G đã điểm, tại điểm tập kết, cuộc thám du bằng đi bộ được thực hiện bốn giai đoạn (khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích) na ná như một chương trình truyền hình nổi tiếng “ĐƯỜNG LÊN ĐỈNH OLYMPIA” vậy.

 Tập 1: Khởi động

     Sau nhiều tuần cho đoàn sinh đi bộ quanh vòng hồ công viên liên tục và thấy ổn, chúng tôi quyết định mở cuộc thám du lên núi Sơn Trà để các em lấy “Chuyên Hiệu Đi Bộ”.

 

 

Tập 2: Vượt chướng ngại vật

     Trở ngại lớn nhất cho cuộc thám du lần này là, các em phải đi bộ hơn ba cây số dưới ánh nắng mặt trời chói chang buổi ban mai. Chặng đường dốc, quanh co, vừa đi vừa cảnh giới xe cộ qua lại. Các em đã phải nghỉ chân đến ba chặng vì có vài em tỏ dấu hiệu mất nước hoặc đuối sức. Sau cùng, nhờ cả đoàn quyết tâm nên cũng đến được đích an toàn.

 

 

Tập 3: Tăng tốc

     Vừa đến Chùa Linh Ứng, đa phần các em nhỏ có dấu hiệu mệt mỏi, một số em nằm vật ra cả bãi cỏ. Nhưng, chính sự chu đáo của những phụ huynh trong Ban Hậu cần...nào nước Revive chanh muối ướp lạnh, nào sữa tươi, nào trà bí đao ngon tuyệt, nào bánh trái. Các em tha hồ ăn uống thỏa thích nên thể lực được phục hồi mau chóng, để tiếp tục các trò chơi hứng thú như: thuyết trình tiểu luận cảnh quan thành phố, hoàn thiện nút ano, viết thư pháp...

 

Tập cuối: Về đích

     Trước giờ trưa, mọi người có dịp làm quen với bộ môn Thư pháp Việt - Hán, đặc biệt các em được nghe quá trình phát triển chữ viết của nước ta từ thế kỷ thứ hai đến nay. Sau khi dùng cơm trưa và nghỉ ngơi khoảng một tiếng, các em lại tiếp tục các trò chơi đầy hứng thú.


 

     Đến 14h chiều, tất cả Đoàn sinh và Trưởng đều mặc đồng phục HĐ chỉnh tề rồi rời Chùa Linh Ứng, đi bộ về phía Nhà Bảo tàng Dân tộc học Đông Đình. Tại đây, sau khi các em tham quan cảnh vật xong, lại tiếp tục phần thi đua thuyết trình các địa danh Đà Nẵng và cách phòng tránh bị xâm hại. Các em có dịp làm quen với cây côn nhị khúc, một binh khí võ thuật độc đáo giúp rèn luyện sự linh hoạt của cổ tay cùng phản xạ nhanh nhẹn của cơ thể.

     Đúng 16h, tất cả đều có mặt tại điểm tập kết ban sáng, và chia tay trong niềm hân hoan của các em khi được phụ huynh đón về!

     Cuộc thám du gồm nhiều tiết mục phong phú giúp các em trải nghiệm được nhiều điều thú vị. Bên cạnh đó, nếu chúng ta (các Trưởng đơn vị) luôn quan tâm đến phong trào sẽ có nhiều chương trình thám du hấp dẫn cho Thiếu sinh hơn. Đừng vì ngại khó mà đánh mất bản chất khám phá, thám hiểm của một HĐS. Kết thúc bài viết, xin trích dẫn câu nói nổi tiếng của Nguyễn Bá Học “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

                                                                                   Đà Nẵng mùa mưa bão 2022

 LV (Đại Bàng tự tin)

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét