Lm LT Trần Hòa
Để có lời giải
thích những vấn đề quan trọng rõ ràng, uy tín hoặc để giới thiệu những nhân vật
gương mẫu người ta dùng hình thức hỏi và trả lời thay cho bài viết gọi là phỏng
vấn.
Khái niệm phỏng vấn
Phỏng vấn là
loại bài báo lấy nội dung cuộc đối thoại giữa nhà báo và nhân vật (người được
phỏng vấn) làm nội dung cho bài viết khi đăng nguyên văn lên báo. Tuy nhiên việc
phỏng vấn cũng đòi hỏi một kỹ thuật riêng mà ta phải am tường.
Đặc điểm của phỏng vấn
1. Phỏng vấn
phải là cuộc đối thoại ít là giữa 2 người: một người đặt câu hỏi và một người
trả lời (nhân vật). Phỏng vấn trực tiếp hay gián tiếp qua thơ từ, điện thoại…
2. Phỏng vấn
phải đăng nguyên văn câu hỏi và câu trả lời, trừ khi được phép tóm tắt kết quả
câu trả lời, nhưng phải chính xác.
3. Bài phỏng vấn
khác với việc phỏng vấn để lấy tin viết bài. Bài phỏng vấn là bài báo hoàn chỉnh,
đăng nguyên văn câu hỏi và câu trả lời. Còn phỏng vấn lấy thông tin thì nhằm
1,2 vấn để, về nhà lựa lại để đem vào bài viết ví dụ bài tường thuật, phóng sự...
4. Phỏng vấn
thường là lời giải đáp của một nhân vật hay nhiều nhân vật có uy tín trước một
vấn đề công chúng quan tâm.
Cách thực hiện cuộc phỏng vấn
1. Chúng ta chọn
một sự kiện quần chúng đang quan tâm hay đang gây xôn xao trong dư luận, có khi
công chúng đang khát mong được biết rành mạch...ví dụ sự phát triển kinh tế ở
Việt Nam sau đại dịch thế nào?
2. Nhà báo phải
tìm hiểu về công việc sẽ phỏng vấn, chuyên môn riêng của nhân vật và chính bản
thân nhân vật cho tường tận trước khi phỏng vấn. Nếu có thể nên tiếp xúc trước
với nhân vật sẽ trả lời phỏng vấn để hai bên hiểu nhau không ngần ngại khi trả
lời, nhất là biết ý thích của nhân vật là gì để qua đó bắt chuyện dễ dàng hơn.
Ví dụ nhân vật thích đi du lịch, thích thể thao, âm nhạc...
3. Nhà báo phải
dự kiến sẽ lấy những thông tin nào cho bài phỏng vấn và dự kiến trước nội dung
(đề cương) các câu hỏi và coi đi coi lại các câu hỏi đó để thực hiện cho xuôi
chảy và không lạc đề. Chúng ta tránh những câu hỏi có tính o ép hoặc sỗ sàng với
nhân vật được phỏng vấn khiến họ lúng túng, e ngại., có khi sợ hãi không dám tiếp
xúc với nhà báo nữa.
Có thể phỏng vấn
trực tiếp: phóng viên và nhân vật mặt đối mặt một cách tự nhiên hoặc gởi câu hỏi
để nhân vật trả lời, sau đó gởi lại cho nhà báo. Như thế sẽ tránh được sai chạy
thông tin nhưng kém phần sinh động. Gặp trường hợp đặc biệt mới làm cách này.
4. Hết sức
tránh lan man đi theo “hứng chí” của nhân vật, làm cho cuộc phỏng vấn lạc đề, mất
thời gian và kém chất lượng. Nếu nhân vật trả lời ra ngoài hãy khéo léo đưa
nhân vật trở lại nội dung đang trao đổi một cách tự nhiên. Đó là cái khéo của
người phóng viên.
5. Hãy ghi chép
cẩn thận câu trả lời của nhân vật, nếu chưa rõ nên hỏi lại, tuyệt đối không ghi
sai câu trả lời của nhân vật sẽ gây ra hậu quả lớn sau này. Ta có thể xin phép
ghi âm, ghi hình với phỏng vấn truyền hình.
Cách đặt câu hỏi phỏng vấn
Phỏng vấn dùng
câu hỏi mở, không dùng câu hỏi đóng. Có các loại câu hỏi quen sử dụng như sau:
1. Hỏi về sự
việc: thường là hỏi về cái gì, khi nào, ở đâu? ...Ví dụ: Mùa mưa năm nay UBND
Thành phồ đã có những quyết định gì để chống úng ngập?
2. Hỏi về vấn
đề: nhằm tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả sự việc sâu rộng hơn. Ví dụ: Vì sao
chúng ta chưa chọn được một phương cách nào tốt nhất để giải quyết vấn đề ngập
úng của Thành phố?
3. Hỏi về ý kiến:
muốn biết ý kiến của những người tiêu biểu, uy tín trong cộng đồng. Ví dụ: Ông
nghĩ gì về những giải pháp chống ngập của Thành phố đã thực hiện trong những
năm qua?
4. Câu hỏi về
động cơ: Ta muốn biết động cơ nào đã khiến công việc xảy ra như vậy. Ví dụ: Lý
do nào khiến công việc này trì trệ không được giải quyết từ nhiều năm nay?
Thể loại phỏng
vấn đem lại cho độc giả những thông tin vừa chính xác, vừa hấp dẫn bởi những giải
thích rành rọt và lý luận xác đáng của những nhân vật uy tín, điển hình, lại dễ
dàng đón nhận. Tờ báo nào cũng nên dùng thể loại khá sinh động và dễ thực hiện
này.
BẠN CÓ THỂ THỰC HÀNH “PHỎNG VẤN” BẰNG CÁCH:
1. Hãy làm cuộc phỏng vấn với Trưởng của bạn để hiểu biết
về sự phát triển của đơn vị nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập.
2. Hãy phỏng vấn bạn bè của bạn để biết quan niệm của
thanh niên ngày nay về văn hóa và tôn giáo.
LT. Lm Trần Hoà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét