Thứ Hai, 8 tháng 1, 2024

CÁCH ĐỌC SÁCH

LT. Trần Hoà



     Sau khi rời ghế nhà trường, chúng ta vẫn phải tiếp tục học hỏi thêm ít nhất về chuyên môn nghề nghiệp, nhân bản và kiến thức phổ thông. Có nhiều cách học hỏi thêm ngoài nhà trường: đi du lịch, tham dự hội thảo và đọc sách. Đọc sách là cách học tập dễ nhất và có hiệu quả mở rộng kiến thức nhất.

Đọc sách là học hỏi thêm

     Chúng ta cần học hỏi thêm:

     1.Vì thời nay khác ngày xưa: mọi cái đã và đang thay đổi cách rất nhanh chóng, nếu không trau dồi thêm, chúng ta rất dễ bị lạc hậu, thiệt thòi và xa rời tập thể. Rồi chúng ta sẽ phát biểu, ăn nói đúng với câu tục ngữ: “Điếc không sợ súng”

     2.Những hoạt động nghề nghiệp chuyên môn đòi hỏi ta phải cập nhật mỗi ngày, ta lại không có cơ hội đến trường lớp, ta sẽ đọc sách thế lại. Nếu không. tay nghề của chúng ta sẽ lụn bại, ví dụ nghề dạy học, bác sĩ, nhà hàng…

     3.Nhiều người cho rằng: coi, nghe xem những thông tin, những trình bày, hướng dẫn trên Internet là đủ rồi, không cần đọc thêm gì nữa. Theo học giả Adler và Doren, Hoa Kỳ, những nội dung trên internet hoặc báo chí, chỉ là những thông tin sơ khởi, đa tạp, hỗn độn, hoa mỹ bên ngoài…Chúng không cung cấp cho chúng ta những hiểu biết rõ ràng, sâu xa và có thể sử dụng được trong cuộc sống, như các kiến thức trong sách vở.

     Chúng ta cần phải học hỏi trau dồi thêm và xác tín rằng: học ở trường là học có thầy; đọc sách là học không có thầy. Cả hai cách học đều mang lại lợi ích thiết thực cho chúng ta. Người Do Thái là tấm gương sáng cho chúng ta: họ học tập bằng đọc sách suốt đời, không ngừng nghỉ, dù sống trong tuổi già.

Ta phải chọn sách thế nào.

     Theo học giả Adler và Doren (USA) trong “HOW TO READ A BOOK”: trừ khi có người giới thiệu sách tốt cho chúng ta, nếu không, chúng ta có thể chọn sách dễ dàng, nhanh gọn theo cách sau đây:

     1.Đọc và suy nghĩ tên cuốn sách để xem lúc này ta có cần đọc loại sách này không, ví dụ: Cách Dạy Trẻ Em, Phương Pháp Đọc Sách, Tổ Chức Một Công Ty…

     2.Đọc lời nói đầu (foreword) để biết rõ hơn loại sách gì: nhân bản hay nghề nghiệp hay giáo dục…

     3.Đọc mục lục để biết sơ nội dung những vấn đề trong cuốn sách.

     4.Đọc tên các chương, đoạn để biết thêm nội dung…

     5.Đọc lời giới thiệu của nhà xuất bản thường ở bìa sau hoặc cạnh bìa sách để biết cuốn sách được viết thế nào và được công chúng đón nhận ra sao.

     Nếu thấy sách phù hợp, ta chọn mua để đọc. Có nhiều loại sách: sách nghề nghiệp chuyên môn: vi tính, kế toán, sản xuất, dịch vụ, kỹ thuật… Sách văn học: thơ, văn, truyện, nghệ thuật… Sách nghiên cứu: triết, luật, khoa học, tôn giáo…

     Nếu ta không chọn lựa, gặp cuốn sách nào có vẻ hấp dẫn, ta cũng mua đọc thì mất thời giờ, có khi mang lại nhiều tác hại khác nữa. Chúng ta cần chọn và đọc những sách bồi bổ kiến thức trước, những sách giải trí như truyện, tiểu thuyết… sẽ đọc sau. Chúng ta tránh đọc những sách phản đạo, gợi dục, tục tĩu và những sách không phù hợp với xã hội hiện tại.

Đọc một cuốn sách thế nào

     Chúng ta thực hiện các bước sau đây:

     1. Đọc để hiểu nội dung: ta đọc lướt qua để hiểu khái quát nội dung sách nói về vấn đề gì.

     Chúng ta nên đọc lướt nhanh trong thời gian ngắn mà hiểu được nội dung cuốn sách ngay. Cách đọc nhanh: chập ngón cái và ngón trỏ phải lại, đặt lên dòng chữ lướt nhanh tới và mắt cố gắng theo cho kịp. Ta tập nhiều lần sẽ quen.

     2.Ta đọc kỹ để hiểu, nắm rõ nội dung chi tiết hơn, nghĩa là ta có thể giải đáp được những câu hỏi cần thiết sau đây:

     - Cuốn sách nói về vấn đề gì? Nội dung mỗi phần, mỗi chương?

     - Nội dung được trình bày thế nào? Tác giả muốn nói gì với ta?

     - Hãy đánh giá cuốn sách: tư tưởng nào đúng, tư tưởng nào chưa đúng?

     - Những nội dung quan trọng trong cuốn sách là gì?

     3. Ta so sánh tư tưởng ta đã đọc và tư tưởng trong cuốn sách này: có gì giống, khác nhau, hơn kém thế nào.

Cách ghi chú khi đọc sách

     Khi đọc sách, ta nên cầm cây viết chì hay viết bi vừa đọc vừa ghi chú. Việc ghi chú vừa giúp ta tập trung, vừa làm rõ tư tưởng ta đọc, vừa ghi lại những điều ta ưng ý. Sau đây là một số cách ghi chú phổ thông:

     1. Gạch dưới những từ, những câu quan trọng.

     2. Kẻ dọc ngoài lề đoạn văn quan trọng để thay cho gạch dưới.

     3. Ghi hoa thị hay gạch ngang ngoài lề để nhấn mạnh đoạn văn, ý tưởng quan trọng.

     4. Khoanh tròn từ khóa hay cụm từ quan trọng.

     5. Ghi chú ngoài lề, hoặc đầu trang, hay cuối trang

     6. Ghi số đầu câu, đầu phần để phân chia các phần cho liên lạc với nhau.

     7. Tóm tắt nội dung đã đọc vào lề trang, hoặc ghi nội dung của chương, đoạn vào phần trống ở cuối mỗi chương; nếu cần, dán thêm miếng giấy phụ để ghi. Khi không có thời gian, khi tra cứu các phần, ta chỉ cần đọc lại nội dung tóm tắt của các chương là ta nắm được nội dung ta cần.

     Hoàng Sơn Cốc, học giả Trung Quốc nói: “Tam nhật bất độc thư, thị dĩ ngữ ngôn vô vị, diện mục khả tăng”. Ba ngày không đọc sách thì lời nói nên vô vị, mặt mũi thì lơ láo.

    Phải chăng đọc sách làm phong phú kiến thức và nâng cao giá trị của con người chúng ta.

STK:  How to read a book của Adler và Doren, USA

 

                                                            Lm LT Trần Hoà

Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét