Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Đôi điều trăn trở...

Nguyễn Đức Là


BBT. Đây là những tâm tình chia sẻ của tác giả về một mối trăn trở: "xem nhau như anh em ruột thịt"(điều luật HĐ thứ 4) sao khó quá vậy? Không còn trong sáng như xưa nữa? Vì tôn trọng ý kiến, nên chúng tôi đăng nguyên văn bài "Đôi điều còn trăn trở của Trưởng Nguyễn Đức Là, Liên đoàn Hải Vân, Đạo An Hải, Đà Nẵng, để chúng ta cùng nhau trao đổi, đóng góp ý kiến, hầu giúp tình anh chị em hướng đạo được trong sáng như xưa.
---000---


Lần khần mãi rồi tôi cũng phải viết lên đôi dòng để trao đổi cùng những "người anh em” về một vấn đề mà người ta thường gọi là nhạy cảm, vì nó dễ đụng chạm, bị cho là vạch cho người xem lưng rồi người ngoài sẽ đánh giá không tốt Phong trào, hay là làm gì có chuyện đó... nhưng theo tôi đã là Hướng đạo thì phải tôn trọng sự thật, không che đậy dù đó là một sự thật phủ phàng, bởi vì điều luật số một là: HĐS trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời nói của HĐS. Do vậy, không cho phép chúng ta bưng bít, dẫn đến dối trá, rồi ai sẽ tin vào lời của HĐS. Nên chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật để tìm hướng giải quyết vấn đề. Ông bà ta thường nói: “Thuốc đắng giã tật”. Theo tôi, đó là công việc phải làm ngay, cũng là trách nhiệm của những người huynh trưởng Hướng đạo VN hiện nay. Sở dĩ tôi phải làm mất thời gian của người đọc về việc dẫn vấn dề một cách lung khởi như vậy, là vì tôi muốn người đọc bình tâm trước một vấn đề, mà ai trong anh em Hướng Đạo chúng ta cũng ngại nói ra.

Rồi đến việc chọn tiêu đề bài viết như thế nào, cũng làm tôi có chút ngần ngại, bâng khuâng. Chắc anh chị em cũng thắc mắc và cho rằng cái tiêu đề của bài viết này không được bình thường, ở chỗ là không được rõ ràng với những dấu chấm chấm chấm. Với cách thể hiện này có hai trường hợp có thể xảy ra, một là người viết muốn thử sự tò mò của người đọc (đây là điều người viết không dám như vậy) hoặc là do người viết đang bế tắc trong việc dùng từ ngữ để diễn tả điều mình muốn nói ra (điều này có phần đúng hơn). Thật vậy, bởi một sự việc hết sức mặc nhiên trong phong trào chúng ta, nhưng với những gì thực tế, một thực tế không được lấy gì làm vui, nếu không muốn nói là nhức nhối đang xảy ra trong Phong trào HĐ trong nước, nó đã trở thành hiện tượng diễn ra ở nơi này, nơi khác, đã trở thành điều không tưởng tượng và khó diễn đạt, không dám dùng từ ngữ nào cho phù hợp. đó là việc có phải một HĐS sẽ quá khó để thực hiện điều luật thứ 4: "HĐS là bạn khắp mọi người và coi HĐS nào cũng như ruột thịt ” ?. Một câu hỏi đã làm người viết mãi trăn trở mà vẫn chưa có câu trả lời thích đáng, bới vì một việc đương nhiên nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Đây cũng là lý do mà tiêu đề bài viết không được rõ ràng. 

Đến lúc này, thì chắc người đọc cũng phần nào đoán được nội dung vấn đề mà người viết muốn trao đổi, tâm sự. Đó là. chúng ta là những HĐS, chúng ta cùng chung một đường lên, cùng chung một lý tưởng, một nguyên lý, một phương pháp của người sáng lập là cụ tồ BiPi đã đề ra; cùng một hoài bão ươm mầm và vun trồng các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam, thành những con ngoan, trò giỏi, công dân tôt cho xã hội và có ích cho đời, nhưng còn ở đâu đó, chúng ta chưa cùng chung lòng, chung sức; đôi khi có tiếng chì tiếng bấc.Tình trạng này nếu không hóa giải sớm sẽ rất ảnh hưởng không tốt cho Phong trào, sẽ là tấm gương xấu cho các em. 

Chắc các Trưởng cũng phần nào biết được hiện naỵ trên không gian mạng, đôi khi chúng ta phải đọc những bài viết của một số Trưởng thể hiện sự bất đồng, bất mãn, có đôi khi gay gắt, chỉ trích nhau trong sinh hoạt, ứng xử không đẹp với nhau, thậm chí có thể gọi là đấu đá nhau, không kể lúc nào, nơi nào kể cả ở nước ngoài, khi dự các cuộc họp bạn với các Hội HĐ các nước, vì những việc không đáng có. Trường họp bằng mặt nhưng không bằng lòng cũng không phải là hiếm. Điều đó có đáng buồn, có đau xót không các Trưởng? Nói điều này người viết không phải cường điệu, mà thực tê đã và đang hiển hiện ra trên các trang mạng, làm cho bức tranh Hướng đạo không còn tươi sáng như ngày xưa. Chúng ta mạnh dạn nhìn lại, tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết. 

Ta có thể gọi đây là những mâu thuẫn, xung đột nội tại trong phong trào, vậy thì trong phong trào HĐ nói chung và HĐVN nói riêng, sự xung đột này là do đâu, vì cái gì? Thông thường thì có hàng trăm lý do để dẫn đến sự xung đột, trong các cuộc xung đột thì có mấy nguyên nhân chính, là do đối lập nhau về nhu cầu (mục tiêu) và phương thức tiến hành, lợi ích và giá trị. Việc xác định được nguyên nhân dẫn đên mâu thuần là vấn dề quan trọng, giống như việc chẩn đoán bệnh là khâu quan trọng trong qui trình điều trị bệnh. Nếu bỏ qua hoặc chẩn đoán thiếu chính xác sẽ không những làm cho bệnh không thuyên giám mà càng thêm trầm trọng, đến một lúc đành bó tay. Đối với Phong trào HĐVN hiện nay, tuy đã có sự phục hoạt ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa đựơc chính danh, nên việc phải tự khẳng định mình với cộng đồng xã hội, với nhà nước là điều hết sức cần thiết. Sự mâu thuẫn, xung đột nội tại nếu không được phân tích tìm nguyên nhân để giải quyết một cách ổn thỏa những mâu thuẫn, bất đồng, mất đoàn kết cũng đồng nghĩa với việc tự đánh mất cơ hội trở lại là thành viên của Phong trào Hướng đạo Thế giới (WOSM) và uy tín của Phong trào đã tạo được gần 90 năm qua. Vậy ta nên thử tìm xem vì nguyên nhân nào đã gây ra nông nỗi này: 

- Do về nhu cầu (mục tiêu) và phương thức tiến hành ư? Theo tôi thì không phải, vì chúng ta có một nhu cầu chung là cần có một môi trường sinh hoạt và điều kiện của bản thân để đóng góp cho phong trào về vật chất cũng như tinh thần, hầu góp phần cùng với nhà trường và gia đình, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên thành những người tôt cho xã hội, cho đât nước; còn phương thức tiến hành thì có nhiều cách tùy theo thực tế mỗi lúc mỗi nơi, nhưng không được phép đi chệch Nguyên lý Hướng đạo, dù gặp phải một áp lực nào từ bên ngoài, nếu như vậy sẽ không còn là Hướng đạo, và WOSM cũng không bao giờ công nhận. 

- Do lợi ích ư? Lợi ích ở đây là nói về lợi ích vật chất. Điều này thì ai cũng biết, các Trưởng Hướng đạo không ai có lợi ích gì ở đây cả. Không lương hướng, không bổng lộc, ngược lại họ phải chia sẻ thời gian, công sức và đôi khi cả vật chất để lo cho các em. nên cũng có ai đó gọi họ là những người "Ăn cơm nhà vác tủ và hàng tổng '. Tuy sự hy sinh cua các Trưởng là thầm lặng, nhưng cũng đã được các em cảm nhận, gia đình xã hội ghi nhận, thì các Trưởng cũng đã phần nào cảm thấy mãn nguyện, vinh hạnh và tự hào về điều đó. 

Vậy thì chỉ còn xung đột ở vấn đề giá trị chăng?. Giá trị ở đây là những giá trị thuộc về tinh thần : là được sự tôn trọng của tập thể, cộng đồng, nói một cách rõ hơn đó là địa vị. thứ bậc. danh vọng. Nỏ là một trong những nhu cầu của con người bình thường trong xã hội mong muốn được sự công nhận của xã hội. Sự công nhận này tự thân nó sẽ giúp cho người đó củng cố vai trò vị trí và tầm ảnh hưởng của mình. Riêng với cộng đồng những người tham gia Phong trào Hướng đạo, những Trưởng hướng đạo thì những giá trị này có tính tương đối, còn những danh xưng trưởng này, trưởng nọ (Châu trưởng, Đạo trưởng, Liên đoàn trưởng...) chỉ là để dễ nhận biết nhau, là để thực hiện những trách nhiệm nghi thức trong sinh hoạt mà phong trào đã đặt ra một cách quy củ, bài bản mà thôi. Trưởng hướng đạo không mưu cầu cho cá nhân mà chỉ mưu cầu cho tập thể, cho một đối tượng cụ thể là thanh thiếu niên, được hướng dẫn, giáo dục thành những con người tốt cho gia đình và xã hội. 

Thực tế là như vậy, trong Phong trào Hướng đạo không có chức vụ, chức tước, do vậy ta thường nói Phong trào trao trách vụ chứ không trao chức vụ. Điều đó đã nói lên sự dấn thân, hy sinh, cống hiến của các Trưởng hướng đạo chứ không có sự mưu cầu cho bản thân các Trưởng điều gì hết, tất cả họ được cái danh xưng chung là TRƯỞNG HƯỚNG ĐẠO. 

Tóm lại, sự đối kháng, xung đột nhau trong phong trào là hoàn toàn khó có thể xảy ra. 

Và theo tôi, chỉ còn một vấn đề ít ai nghĩ tới, được xem là nhỏ, là ít ảnh hưởng nhưng lại thường gây ra mâu thuẫn dẫn đến xung đột là do cá tính mỗi người. Nếu một khi đã xác định được nguyên nhân gây ra những mâu thuẫn, xung đột, đối kháng giữa vài cá nhân trong phong trào chúng ta, không phải ở mục tiêu thực hiện, lợi ích và danh vọng, địa vị, mà chỉ ở vấn đề cách xử sự với nhau, ứng xử chưa hợp lý, hợp tình trong những quan hệ sinh hoạt Hướng dạo, nhất là các Trưởng, thì theo tôi việc hóa giải những nút thắt này không phải là vấn đề nghiêm trọng, khó khăn. 

Như ta đã biết, quy luật mâu thuẫn là một trong ba quy luật đựơc biểu hiện trong nguyên lý về sự phát triển, là nguồn gốc của sự phát triển, và cũng có nghĩa mâu thuẫn thì luôn xảy ra, nhưng quan trọng là cách xử lý, nếu xử lý tốt sẽ có kết quả tốt, tránh trường hợp dẫn đến xung đột. Như vậy, chúng ta không tránh né mà hãy đối diện với mâu thuẫn, và tìm ra cách giải quyết, cần nói rõ những mâu thuẫn ở đây là do khách quan chứ không phải do chủ quan tạo ra, để gây mất đoàn kết. 

Đành rằng thành ngữ có câu “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính " và “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, ai cũng có cái tôi riêng, ai cũng cho mình là cái rốn của vũ trụ, ai cũng có nhu cầu thể hiện mình là đúng, nếu ai khác mình là sai, rồi đâm ra bảo thủ, cố chấp. Nhưng Chúng ta hãy vì cái chung và vì các em, hơn nữa như điều 4 Luật HĐ có ghi “HĐS coi HĐS nào cũng như ruột thịt”, có nghĩa là “Máu chảy thì ruột mềm”; “Như thể chân tay ”, “Chị ngã thì em phải nâng".  Chúng ta vui khi anh em khác thành công và lấy đó để chúng ta noi gương ; anh em thất bại chúng ta phải lấy đó là buồn và chia sẻ. 

Thế thì để hóa giải những mâu thuẫn này chúng ta hãy thực hiện những bước đi sau : 

1- Hãy nghĩ tốt về nhau : 

Trong mỗi một con người, luôn có 2 phần : Con Người , khi Tính Người mạnh hơn thì Tính Con sẽ lắng xuống, khi ấy phần tốt đẹp sẽ nhiều hơn phần xấu xa và ngược lại. Vậy đã là con người, thì không có ai là hoàn hảo, luôn có mặt tốt và mặt chưa tốt. Như hai bàn tay không giống nhau cho dù nó được sinh ra từ một cơ thể. Chúng ta thường có thói quen dễ dàng nhận ra lỗi lầm của người khác mà khòng nghĩ nhiều đến điểm tốt của họ, không nhớ những gì họ làm đúng mà chỉ nhớ những lần họ làm sai. Vậy nên, hãy trân quý những điều tốt ở người khác, đừng vô ý làm tổn thương họ chỉ vì những việc nhỏ nhặt rồi mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn. 

BiPi đã căn dặn chúng ta trong di chúc của Người “...Hãy nhìn xem khía cạnh tươi sáng của sự việc thay vì cử chăm chú vào mặt tiêu cực của nó...” Đã là anh em HĐ với nhau thì trước tiên chúng ta hãy nghĩ tốt về nhau, hãy nhớ về những việc làm, những nghĩa cử tốt đẹp, và những điều đó đã trở thành những kỷ niệm đẹp của nhau dưới một mái nhà HĐ như đã từng. Có như vậy thì những khuyết nhược điểm sẽ không còn là vấn đề, rồi có thể bỏ qua cho nhau mà gần lại với nhau.Tôi nghĩ với những người đã là anh em HĐ, thì động thái này không có gì là không thực hiện được, và nó sẽ là việc mở nút thắt đầu tiên . 

2- Hãy ngồi lại với nhau - Lắng nghe trước khi nói: 

Ông bà ta thường nói Xa mặt thì cách lòng, Tam sao thì thất bổn và nếu ta chỉ nghe qua, nói lại, mà không ngồi gần nhau thì làm sao thấu cảm được nhau, và tệ hại hơn là ngày càng có nhiều sự ngộ nhận. Điều cũng cần lưu ý là hãy lắng nghe nhau trước khi muốn nói, để thể hiện sự thiện chí, tránh dùng những trang mạng để nói không đúng sự thật, hoặc có, nhưng bé xé ra to, như vậy mới chính là Vạch áo cho người xem lưng. Điều đáng mừng là trong thời gia qua, trên không gian mạng phần lớn các Trưởng đã hạn chế việc bình luận đúng sai qua những ý kiến chưa được rõ ràng, chưa được xác minh công khai, và họ cũng đã có những đề xuất như đã đề cập trên: Hãy ngồi lại với nhau - Lắng nghe trước khi nói. Đó mới chính là tinh thần Hướng đạo. 

3- Hãy xưng hô là chúng ta và công bằng, không đặt nặng cái tôi cá nhân để cố giành phần hơn: 

Sẽ là sự kỳ diệu khi trao đổi với nhau mà xưng hô là "Chúng ta”, vì như thế là đã xóa bỏ rào cản với nhau, không con khoảng cách và lúc đó chỉ còn lại một chủ thế mà không có khách thế nào khác, chỉ có chúng ta giải quyết những công việc của chúng ta trên cơ sở tôn trọng, cầu thị, công bằng và rồi thì cái tôi ích kỷ cũng tự mất đi. 

4- Hãy có nhiều sự lựa chọn

Một giải pháp tạm thời theo thiển ý của người viết cũng như nhiều HĐS hiện nay là nếu chúng ta chưa thể ngồi lại với nhau , huynh đệ chưa nhất gia, chưa tìm ra tiếng nói chung thì cừ dùng thứ ngôn ngữ riêng của mình (nhưng phải đáp ứng với những yêu cầu chung của Phong trào), thì hãy tôn trọng sự khác biệt của người khác, không nên đố kỵ, dùng các trang mạng để ác ý moi móc, phê phán người khác, mà hãy nói có nơi cỏ chổ, đóng cửa bảo nhau, hãy lo với trách vụ của mình tại đơn vị mình với tư cách là một trưởng HĐ. một HĐS đúng nghĩa, như lời hứa mình đã tuyên trước đoàn kỳ và Phong trào. 

Tám mươi tám năm qua, chúng ta tự hào, Phong trào HĐVN của chúng ta đã từng là thành viên chính thức của Phong trào Hướng đạo thế giới, được cộng đồng xã hội nhìn nhận là một phong trào hữu ích trong việc góp phần giáo dục thanh thiếu niên, và dù có gặp bao nhiêu khó khăn, thách thức do thời cuộc, chúng ta cũng vẫn chắt chiu, giữ lửa và nhen nhúm lại trong hơn 40 năm gàn đây, để hôm nay chúng ta còn hiện diện và khẳng định mình, dù chưa được nhà nước công nhận. Chính những điều này càng thôi thúc chúng ta cần phải thực sự là Huynh Đệ Nhất Gia, đừng vì cái riêng mà tự đánh mất hình ảnh tốt đẹp của người Trưởng Hướng đạo trong lòng các em. Hãy vì các thế hệ trẻ nước nhà mà quên đi “cái tôi đáng ghét”, cùng chung sức giữ vừng và phát triển Phong trào HĐVN. Chúng ta hãy cùng tin tưởng như lời một ai đó đã nói Đi về phía ánh sáng thì bóng tối sẽ luôn ở sau lưng. 


Hoẵng điềm đạm 


Tráng sinh RS NGUYỄN ĐỨC LÀ 
Liên đoàn Hải Vân -Đạo An Hải
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Tập san Vững Tiến Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét