Nguyễn Đức Là
Chúng
ta thường nghe câu nói “Hướng đạo là trò chơi đối với trẻ em, nhưng là công cuộc
của người lớn”. Các em vào Hướng đạo để được vui chơi là chính không có gì là
to tát lắm. Do vậy, nếu Hướng đạo không biết tổ chức những trò chơi thật hay,
thật vui thì khó mà thu hút được các em đến với Hướng đạo. Mà trong Hướng đạo
ai là người có trách nhiệm chính đứng ra tổ chức các trò chơi để các em được
vui chơi, không ai khác là những Hướng đạo sinh lớn tuổi (người lớn), là các
Trưởng, là những Tráng sinh họ là những trưởng tương lai của phong trào, do vậy
người ta thường nói ngành Tráng là “vườn ươm Trưởng”.
Với
sự tin tưởng và phó thác của vị sáng lập phong trào, ngành Tráng, những người
Trưởng tương lai, đã ý thức và coi trọng vai trò của mình, xem việc thu hút các
em đến với phong trào bằng những trò chơi (mà trò chơi trong Hướng đạo thì phải
mang tính giáo dục các em), đã trở thành là một công cuộc thật sự. Đã là công
cuộc thì phải coi đó là đại cuộc, vì có ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều thành
phần xã hội, nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Ở đây chỉ nói trong phạm trù giáo
dục - bởi vì phong trào Hướng đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên.
Vì vậy nó phải có một chiến lược, một hệ thống phương pháp giáo dục phong phú
và đa dạng cho từng lứa tuổi, giúp cho thanh thiếu niên phát triển tối đa về thể
lực, trí lực, cảm xúc, các khả năng xã hội (giúp ích tha nhân) và tâm linh, với
tư cách là cá nhân và thành viên của xã hội, thông qua đó họ đóng góp vào sự
phát triển một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Và
một điều chúng ta đừng bao giờ quên lời dặn của BP: “Hướng đạo là một cuộc chơi
cho các em, dưới sự lãnh đạo của các em, dưới sự hướng dẫn của người lớn”
(Scouting is a game for boys under the leadership of boys under the direction
of a man)” có nghĩa là làm thế nào đó, Trưởng chỉ có vai trò hướng dẫn còn lại
các em mới là người tự tổ chức cuộc chơi cho mình, các trưởng không tham gia
sâu vào cuộc chơi, nếu không sẽ vi phạm nguyên tắc hàng đội tự trị, một phương
pháp chủ yếu của Hướng đạo. Nên nhắc lại là vai trò của Đoàn Truởng không phải
là chỉ huy, mà là nguời cố vấn, khuyến khích và giúp đỡ việc thực hiện, trong
đó đoàn sinh giữ phần chủ động. Để thực hiện điều đó là cả một nghệ thuật, là một
nghề: “Nghề Trưởng”. Đã là một nghề thì phải học, phải có sự đào tạo, huấn luyện.
Công tác đào tạo, huấn luyện huynh trưởng Hướng đạo.
Phong
trào Hướng đạo là một phong trào giáo dục, nên ngay từ thuở ban đầu, phong trào đã đặt vấn đề huấn luyện
Trưởng thành mối quan tâm hàng đầu.
Phong
trào Hướng Đạo khởi phát từ năm 1907. Liền sau đó, vấn đề huấn luyện Trưởng đã
được đặt ra. Đích thân BIPI điều khiển hai khóa huấn luyện đầu tiên vào các năm
1911 và 1912. Những nét chính của một chương trình “Huấn luyện Huy Hiệu Rừng”
đã được ấn định ngay từ năm 1913. Việc huấn luyện được tiến hành dựa trên
phương pháp hàng đội, xen kẻ thực hành và những khóa lý thuyết trong vòng một
tuần lễ, để sau đó Trưởng được huấn luyện có khả năng điều khiển một đơn vị
(đoàn) Hướng đạo. Tiếp theo đó thực hành tại đơn vị để hoàn tất quá trình huấn
luyện. (Tr Vĩnh Đào, Những tiêu chuẩn quốc
tế của HHR)
Để
thực hiện sứ mạng trên, Phong trào Hướng đạo đã sớm hình thành những trại trường
huấn luyện Trưởng Hướng đạo và ngày càng hoàn thiện hệ thống, phương pháp huấn
luyện, để phù hợp hơn với sự tiến triển
của xã hội và với tâm sinh lý của giới trẻ.
Nguyên tắc chung trong huấn luyện Huy hiệu rừng (HHR)
-
Huấn luyện HHR là một cấp huấn luyện cao - Thời gian huấn luyện phải ở mức vừa
phải - Nội dung huấn luyện gồm một phần lý thuyết, kết hợp những phân tích, thực
nghiệm với những trường hợp cụ thể gặp phải khi sinh hoạt. Tiếp theo đó là một
phần thực hành, áp dụng những điều đã học hỏi, dưới sự theo dõi và giám sát của
một Trưởng được chỉ định, hay bảo huynh, để hoàn tất quá trình huấn luyện. Việc
huấn luyện cần bao gồm một số yếu tố của phương pháp hướng đạo.
Các lãnh vực huấn luyện
Chương
trình huấn luyện HHR cần bao gồm ít nhất 4 lãnh vực sau đây:
*
Nguyên lý hướng đạo: khóa sinh cần nắm vững mục đích, các nguyên tắc căn bản và
phương pháp Hướng đạo; cách áp dụng theo từng ngành của Phong trào Hướng đạo…
*
Lãnh đạo: để có thể giữ một trách vụ trong Phong trào.
*
Quản lý: thâu thập những kiến thức và kỹ thuật để quản lý một đơn vị hướng đạo.
*
Truyền thông: là khả năng giao tiếp với người khác và hành xử một cách có hiệu
quả nhất .
Sau
khi trải qua những ngày huấn luyện thực tế tại những trại trường, họ sẽ được
trao chứng nhận HHR và những người này sẽ
là những Trưởng cầm đoàn trong tương lai. (Tr Vĩnh Đào, Những tiêu chuẩn quốc tế
của HHR)
Trên
đây là những nguyên tắc chính (khung) trong một khóa huấn luyện HHR, tuy vậy hiện
nay tùy theo nhu cầu thực tế, mỗi quốc gia có thể mở rộng nội dung huấn luyện
cho phù hợp .
Trại
trường: từ kép “trại trường” hàm chứa nội dung vừa là trường học vừa cuộc cắm
trại. Điều này nói lên, đó là nơi vừa học vừa chơi. Đây vừa là phương pháp giáo
dục vừa là yêu cầu của Phong trào, là luôn giáo dục các em bằng những trò chơi
để các em dễ tiếp thu và thích thú, mà
trong trò chơi đó phải mang lại cho các em những điều mang tính giáo dục.
Hướng
đạo cung cấp cho giới trẻ một môi trường tự do và sáng tạo. Do đó, Hướng đạo
chú trọng đến các sinh hoạt ngoài trời, là những cơ hội tốt để trở về nguồn gốc
của sự sống, để tìm tòi, khám phá... Đây là một trong những phương pháp Hướng đạo,
là dựa vào thiên nhiên, là ngoài trời, không phải bị đóng khung trong bốn bức
tường, mà là cùng với cây cỏ, muông thú.
Nó là môi trường lý tưởng để áp dụng Phương pháp Hướng đạo. Ở đó, sẽ tạo ra nhiều
cơ hội vô tận mà thế giới tự nhiên dành phục vụ cho sự phát triển của thanh thiếu
niên, trong mọi lĩnh vực phát triển nhân cách một cách toàn diện. Sống gần với
thiên nhiên, Hướng đạo sinh (HĐS) có thể thỏa mãn tính năng động của mình, có
thể khám phá một vùng đất mới, tập đương đầu với những khó khăn, trở ngại, với
mưa nắng, gió sương, có cơ hội rèn luyện sức chịu đựng dẻo dai, óc tháo vát, khả
năng đối phó với mọi hoàn cảnh, nuôi dưỡng lòng quí trọng thiên nhiên và các
sinh vật.
Trại
trường thường được tổ chức ở những nơi xa thành phố và hạn chế sử dụng những tiện nghi sinh hoạt của đô thị; trong một khu
rừng (nguyên sinh càng tốt) với cảnh quan thiên nhiên, không có người ngoài qua
lại, để các khóa sinh thực hành những kỹ năng mưu sinh thoát hiểm. Ở đó chỉ có
những huấn luyện viên và khóa sinh, sau khi họ đã cởi bỏ danh phận của mình ở
ngoài xã hội.
Nói
đến trại trường thì ta không thể không nói đến Trại trường Gilwell, nguyên thủy
là một công viên, một khu đất trại và trung tâm hoạt động cho các nhóm Hướng đạo,
cũng như trung tâm huấn luyện và hội nghị cho các Huynh trưởng Hướng đạo. Vị
trí khu vực 44 hecta (109 mẫu Anh) nằm ở Sewardstonebury thuộc Epping gần Rừng
Chingford, Luân Đôn. Những khóa huấn luyện đầu tiên đã được tổ chức tại Gilwell
Park từ đầu “thập niên 1910” dưới sự điều khiển của chính Baden-Powell.
William
de Bois Maclaren, người Scotland một nhà xuất bản và là Ủy viên Đạo trưởng
Rosneath, vùng Dumbartonshire, là người đã mua tặng công viên này. Khóa huấn
luyện Bằng Rừng (ngày nay ở Việt Nam gọi
là Chứng nhận Huy hiệu Rừng, viết tắt
HHR) đầu tiên tại Công viên Gilwell từ ngày 8 tháng 9 đến ngày 19 tháng
9 năm 1919, là khóa huấn luyện Bằng Rừng nổi tiếng nhất. Francis Gidney là Trại
trưởng (CC = Camp Chief) đầu tiên. Công viên Gilwell trở thành trung tâm huấn
luyện Trưởng của Phong trào Hướng đạo. Các Trưởng được huấn luyện HHR từ khắp
thế giới, cũng tự động trở thành thành
viên của Đệ nhất Liên đoàn Hướng đạo Gilwell. (1st Gilwell Park Scout Group).
Các trưởng này sau đó được gọi là các Wood Badgers hoặc Gilwellians.
Chính
sách về huấn luyện được áp dụng hiện nay như sau: không còn tập trung huấn luyện
theo một mẫu mực duy nhất tại Gilwell, mà
trao hoàn toàn trách nhiệm cho mỗi quốc gia hội viên tự đào tạo Trưởng
và Trưởng Huấn Luyện cho mình. Để công tác huấn luyện Trưởng có được một tính
chất thuần nhất nào đó, các nước hội viên có thể phối hợp với một đường lối
chung do Tổ Chức Hướng Đạo Thế Giới vạch ra. Thông tư số 22/12 quy định một số
tiêu chuẫn về huấn luyện Huy Hiệu Rừng (Wood Badge Framework) để hướng dẫn các
nước hội viên trong việc xây dựng một hệ thống huấn luyện Huy Hiệu Rừng (HHR),
đáp ứng những tiêu chuẫn quốc tế, để được Tổ Chức HĐ Thế Giới công nhận.
“Khung” do Văn Phòng Thế Giới đề ra bao gồm các điểm về nguyên tắc chung, các
lãnh vực huấn luyện, theo dõi và cải tiến công tác huấn luyện, trách nhiệm của
từng cấp (quốc gia, Vùng, Tổ Chức HĐ Thế Giới). Tại các Vùng, các Toán Huấn Luyện
Vùng được thành lập để giúp đỡ các nước hội viên xây dựng cơ cấu huấn luyện
trong nước và giúp đào tạo các Trưởng Huấn Luyện. Tổ Chức HĐ Thế Giới luôn quan
tâm theo dõi chất lượng và tính thuần nhất của công tác huấn luyện tại các nước…
(Tr Vĩnh Đào, Những tiêu chuẩn quốc tế của HHR)
Tại
mỗi quốc gia có Phong trào Hướng đạo, họ đều đã thành lập những khu trại trường
quốc gia. Nhờ có sự quan tâm của những người đứng đầu nhà nước và xã hội sở tại
đã có sự ưu ái và đầu tư, tạo điều kiện hình thành các trại trường để huấn luyện
những lớp huynh trưởng Hướng đạo giỏi, thành những người hữu ích, kiệt xuất, đã
đóng góp cho sự phát triển phong trào, đồng thời họ cũng có sự đóng góp không
nhỏ cho sự phát triển của quốc gia họ. Có thể kể ra một số ít người tiêu biểu
như vậy, đó là Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Bà Hillary Clinton, Vua Thái Lan
Bhumibol Adulyadej, Ông Ban- ki- moon nguyên Tổng thư ký liên hiệp quốc là Hội
trưởng danh dự của HĐ Hàn Quốc, Bear Grylls - Vua của sự thám hiểm đã thực hiện
những chuyến thám hiểm đến khu vực hẻo lánh, nguy hiểm nhất thế giới, nhà thám
hiểm người Anh trở thành một trong những nhân vật mà các nhà thám hiểm trên thế
giới phải ngưỡng mộ, … cũng là những Trưởng Hướng đạo.
Trong
số mười hai người đổ bộ lên mặt trăng, mười một người là Hướng đạo sinh, mà người đầu tiên và người
cuối cùng là Hướng đạo sinh Đại bàng, Neil Armstrong và Harrison Schmitt. Tổng
thống Gerald Ford nói: “Tôi có thể nói không ngại ngùng, vì các nguyên lý Hướng
đạo, tôi biết tôi đã là một vận động viên giỏi hơn, một sĩ quan hải quân giỏi
hơn, một nghị sĩ giỏi hơn, và tôi là một tổng thống được chuẩn bị giỏi hơn.”
Tại
Việt Nam cũng đã từng có những Trại trường nỗi tiếng từ ngày thành lập cho đến
bây giờ. Đó là các Trại trường:
1938
- Trại trường Bạch Mã được thiết lập, trên núi Bạch Mã, gần Huế.
1955
- Thiết lập Trại trường Hồi Nguyên tại Bảo Lộc.
1958
- Trại trường quốc gia được thiết lập tại Ðà Lạt: Trại trường Tùng Nguyên.
Sau
năm 1975 vì thời cuộc không cho phép để tổ chức trại trường ở một nơi cố định với
qui mô cơ sở hạ tầng đầy đủ, nên Phong trào HĐVN đã có sự lựa chọn một cách
linh hoạt tùy theo những lúc, những nơi cho phù hợp.
Bạch
Mã là vườn quốc gia trên dãy núi cùng tên thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Có địa thế
cực kỳ thuận lợi, Bạch Mã ở độ cao trung bình 1.450 m, sát dãy Trường Sơn và
cách biển chỉ 10 km nên khí hậu dễ chịu nhất so với các vùng cùng độ cao trên
khắp Đông Dương. Với diện tích 37 ha, Bạch Mã còn giữ được khá tốt rừng nguyên
sinh bạt ngàn. Năm 1936, vua Bảo Đại và quốc vương Monivong (Campuchia) đã hỗ
trợ tài chính để thành lập Trại Trường Bạch Mã, huấn luyện huynh trưởng Hướng đạo
cho Đông Dương. Đến năm 1945, Trại Trường Bạch Mã ngưng hoạt động (theo Nguyễn
Văn Mỹ đăng trên giupich.org). Với Trại Trường này, một hệ thống đào tạo Trưởng
HĐVN rất chất lượng, gọi là HUY HIỆU BẠCH MÃ (HHBM) gồm 3 giai đoạn: Sơ luyện,
Dự Bị và Bạch Mã. Tương đương với HHR hiện nay.
Theo
tổng kiểm kê toàn quốc năm 1974 danh
sách thành viên có bảo hiểm cho thấy HĐVN có 12.432 người trong đó có 2.195 Trưởng
(có 185 HHR và 175 HHBM). Đó là tỉ lệ rất thấp so với bây giờ.
Cũng
như các nước trên thế giới, Phong trào Hướng đạo Việt Nam cũng đã đào tạo nhiều
trưởng giỏi giang phục vụ cho phong trào, và những nhân vật này cũng đã giữ những
vai trò trọng yếu trên chính trường miền Bắc cũng như miền Nam như: Tạ Quang Bửu,
Trần Duy Hưng, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Võ Thanh Minh, Phạm Ngọc Thạch, Trần
Văn Tuyên, Phạm Biểu Tâm, Trần Điền, Cung Giũ Nguyên, Trần Văn Khắc, Hoàng Đạo
Thúy, Trần Văn Lược, Nguyễn Thúc Tuân … Và cũng không thể không nhắc đến lực lượng rất đông các Trưởng
tài năng, nhiệt huyết, vẫn tiếp tục sinh
hoạt sau năm 1975, trong những ngày đầu Phong trào âm thầm phục hoạt cho đến
nay, đã giữ lửa, phát triển, đã chứng minh một cách thuyết phục đối với cộng đồng
xã hội về sự hữu ích của Phong trào và đã được Tổ chức Hướng đạo thế giới
(WOSM) chính thức công nhận là thành viên chính thức 170 kể từ ngày 10/ 01/2019
.
Phải
nói Phong trào HĐVN có một lịch sử phát triển đầy thăng trầm và bị ảnh hưởng,
phụ thuộc rất nhiều vào thời cuộc. Để giữ vững và phát triển được như ngày hôm
nay là một sự thành công rất lớn. Các trưởng đã có nhiều trăn trở, ứng phó với
từng tình huống, từng giai đoạn; và đã lựa chọn những bước đi thích ứng, trong
đó nổi bật là công tác huấn luyện Trưởng. Đây là nhân tố quyết định của sự
thành công, đã đào tạo các lớp Trưởng đáp ứng về chất lượng cũng như số lượng kịp
thời, nhanh chóng.
Tuy
vậy, ta thường nghe nói “Dục tốc bất đạt” muốn mau quá thì khó đạt như nguyện vọng.
Thực tế trong thời gian qua để đáp ứng nhu cầu về Trưởng phục vụ cho việc phát
triển mạnh mẽ của phong trào, công tác huấn luyện đã có lúc chạy theo số lượng,
nên từ khâu đầu vào cũng còn có những châm chước, chín bỏ làm mười, chưa đảm bảo
chất lượng về những tiêu chí như: thời gian sinh hoạt, tuổi tác, nợ qua khóa,
nhất là khóa sinh chưa nhiệt huyết với phong trào, chưa có tinh thần Hướng đạo
cao, hay nói một cách ví von là chưa có máu Hướng đạo. Có trường hợp đi huấn
luyện để lấy gỗ về cho oai, không cầm đoàn. Thực tế hiện nay trao HHR thì nhiều
nhưng vẫn thiếu Trưởng cầm đoàn.
Thiết
nghĩ, trong giai đoạn giữ lửa thì có thể châm chước trong quy trình huấn luyện
và đào tạo Trưởng trúng cách HHR, nhưng nay phong trào HĐVN chúng ta đã là
thành viên chính thức của WOSM thì nên đi vào quy củ, quy định. Đã qua rồi thời
kỳ lấy lượng bù chất. Hiện nay Phong trào HĐVN đang phát triển mạnh ở các vùng
miền, để đáp ứng nhu cầu về Trưởng cầm đoàn trong giai đoạn hiện nay, tôi đề xuất
tăng số lượng khóa HHR (lưu ý ngành Nhi), chương trình huấn luyện HHR thực hiện
đối với lứa tuổi Tráng sinh, những người có tiềm năng, điều kiện cầm đoàn và chỉ
nên trao và nhận chứng chỉ HHR khi người ấy thực sự cầm đoàn./.
Nguyễn Đức
Là R.S Hoẵng điềm đạm
Liên đoàn Hải Vân Đạo An Hải
(Ảnh minh họa: thaithuan st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét